Cứ 10 trẻ sinh ra lại có 1 trẻ bị sinh non

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, mỗi năm trôi qua lại có khoảng 13 triệu trẻ sinh non, nghĩa là cứ 10 em bé được sinh ra thì lại có 1 bé bị sinh non. Sinh non là sinh trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là nguyên nhân mắc bệnh, tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Hậu quả lâu dài của trẻ sinh non là chậm phát triển thể chất và trí não, giảm khả năng học tập và làm việc sau này nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tốt. Tại Việt Nam, 1/4 trẻ sơ sinh là do đẻ non, nhẹ cân dẫn đến tử vong.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

 

Thời gian qua, Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em.

Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều kết quả của Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, với nhiều con số đáng khích lệ trong việc giảm tử vong của cả mẹ và con. Đặc biệt, các chính sách phù hợp của Việt Nam cũng đã giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em :

Trong đó, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 22,1%o năm 2015 xuống còn 18,2%o năm 2023. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 14,7%o năm 2015 xuống còn 12,1%o năm 2023. Tỷ vong trẻ sơ sinh hiện nay giảm còn 9,8%o (năm 2015 là 12 %o).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết : “ Nhiều cơ sở y tế của Việt Nam đã điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân dưới 500gr, đem lại hy vọng sống và phát triển toàn diện cho trẻ, niềm vui, hạnh phúc vô cùng của các gia đình có trẻ sinh non/nhẹ cân”.

Ngày thế giới vì trẻ sinh non

Từ trước đến nay, hơn 100 quốc gia trong đó có Việt Nam đã cùng nhau tham gia với các hoạt động, sự kiện đặc biệt và cam kết hành động để giúp giải quyết vấn đề sinh non và cải thiện tình hình sức khỏe của trẻ sinh non và gia đình của họ.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

 

Đặc biệt trong đó là Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non (ngày 17/11) hằng năm được khởi xướng bởi Tổ chức phi lợi nhuận European Foundation for the Care of Newborn Infants (EFCNI) và các tổ chức cha mẹ châu Âu đối tác vào năm 2008. Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội góp phần giảm thiểu nguy cơ sinh non từ những nguyên nhân có thể phòng tránh được, đồng thời đẩy mạnh các hỗ trợ can thiệp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ sinh non, giúp trẻ được sống khỏe mạnh và phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Về màu sắc nhận diện: Sử dụng màu tím là màu sắc nhận diện chính thức, màu tím tượng trưng cho sự nhạy cảm và sự kiên cường của các em bé sinh non và gia đình của trẻ sinh non.

Bộ Y tế phát động Tháng cao điểm hành động Vì trẻ sinh non từ 01/11- 30/11/2024.

Bên cạnh đó, tốc độ giảm tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Việt Nam cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa vào các can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là giảm tỉ lệ tử vong do đẻ non/nhẹ cân, bảo đảm cho mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang phải đối mặt với 3 vấn đề chính cần quan tâm đặc biệt. Khoảng cách về sức khỏe bà mẹ - trẻ em giữa các vùng, miền vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gấp 2-3 lần so với thành thị, thậm chí tử vong mẹ của người Dân tộc thiểu số H’Mông cao gấp 7 lần so với người Kinh.

Nhiều cơ sở y tế của Việt Nam đã chăm sóc, điều trị nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non/nhẹ cân dưới 500gr...

“ Tất cả trẻ em sinh ra đều được sống, khỏe mạnh và góp phần hướng tới một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, trong sáng về tinh thần và phát triển về trí tuệ” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có thai

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các biện pháp dự phòng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Cụ thể, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo đảm phụ nữ khi mang thai có sức khỏe tốt nhất.

Chính vì vậy mà ông cũng kêu gọi “Để giảm tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân, góp phần giảm tử vong trẻ sơ sinh, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của Ngành Y tế, cần sự phối hợp của các Bộ/Ngành, cấp ủy/chính quyền địa phương; sự chung tay của toàn thể cộng đồng, ý thức và thực hiện chăm sóc sức khỏe của phụ nữ có thai; cùng với sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp từ truyền thông, đến việc chăm sóc phụ nữ có thai, dự phòng sinh non và chăm sóc/điều trị cho trẻ sinh non toàn diện”.

Các phụ nữ mang thai được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được khám thai định kỳ, chăm sóc, điều trị và tư vấn ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả.

Khi mang thai, mẹ bầu phải tuân thủ lịch khám thai định kỳ và đặc biệt lưu ý một số nội dung: cân bằng dinh dưỡng; tránh các chất kích thích; chế độ lao động sinh hoạt phù hợp; giảm stress.

Bên cạnh đó là theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, nuôi dưỡng, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.

0