Viêm màng não vô cùng nguy hiểm.

Viêm màng não là bệnh xuất hiện khi các tác nhân tấn công vào vùng màng bảo vệ bộ não và tủy sống.

Căn bệnh này gây ra các biến chứng suốt đời như mất thính giác, giảm thị lực, động kinh, bị mất chân hoặc tay, và giảm trí nhớ nghiêm trọng. Song biến chứng nguy hiểm phải kể đến của viêm màng não là nhiễm trùng máu - nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân.

Các triệu chứng của viêm màng não rất giống với cúm nên nó thường bị chẩn đoán nhầm. Bao gồm: sốt cao trên 38 độ C, đau đầu, phát ban và những nốt ban không biến mất bị ấn xuống, cứng cổ, sợ ánh sáng, hay buồn ngủ, và co giật. Trong một số trường hợp, người bị viêm màng não còn bị nôn ói.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

 

Theo ghi nhận cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh viêm màng não nhất, nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện và cho trẻ đi điều trị sẽ để lại di chứng nguy hiểm và ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ suốt đời. Vì vậy, ba mẹ nên trang bị những kiến thức, kĩ năng để khi con gặp vấn đề có thể nhanh chóng xử lý.

Ngoài ra, để phòng tránh con không bị mắc phải căn bệnh nguy hiểm này thì cha mẹ nên cho con đi tiêm vắc xin viêm màng não tại các cơ sở y tế, bệnh viện trong khu vực mình sinh sống càng sớm càng tốt.

8 dấu hiệu điển hình của bệnh viêm màng não giúp cha mẹ phát hiện sớm căn bệnh này

1. Sốt bất thường

Một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm màng não đó là trẻ lên cơn sốt đột ngột. Trẻ bắt đầu run và cảm thấy ớn lạnh. Nhiệt độ cơ thể bé tăng rất nhanh và khó hạ sốt. Tuy nhiên, sốt cũng là triệu chứng tương tự với nhiều căn bệnh thông thường khác ở trẻ nên cha mẹ cần theo dõi thêm các biểu hiện khác để có sự phán đoán chính xác hơn về căn bệnh này.

2. Đau đầu

Cơn đau đầu do bệnh viêm màng não gây ra thường được mô tả là đau đến nỗi không thể chịu nổi. Ngoài ra, cổ bé bị cứng có thể kèm theo co giật. Nhưng những cơn đau đầu thường ngắt quãng khiến cả cha mẹ và bé không chú ý và bỏ qua triệu chứng này. Đối với trẻ sơ sinh còn thấy hiện tượng thóp phồng.

3. Mờ mắt

Căn bệnh viêm màng não sẽ khiến bé suy giảm thị lực, hoa mắt, chóng mặt, nhìn không rõ.

4. Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa

Trẻ thường đau bụng, buồn nôn, chán ăn, bỏ bú, nôn mửa là những triệu chứng khác của bệnh viêm màng não.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

 

5. Sợ ánh sáng

Khi mắc bệnh, trẻ có dấu hiệu sợ ánh sáng do ánh sáng khiến bé bị chảy nước mắt, choáng váng. Hiện tượng buồn nôn, nhức đầu cũng trầm trọng hơn.

6. Co cứng cơ

Hiện tượng co cứng cơ rất dễ phát hiện khi trẻ mắc bệnh. Trẻ thường có tư thế ưỡn người lên cả khi đứng và nằm. Những nỗ lực giúp bé thẳng đầu, cổ, người đều không hiệu quả.

7. Không thể duỗi thẳng chân

Khi khám dấu hiệu Kernig và Brudzinski cũng có thể phát hiện trẻ nhiễm bệnh. Dấu hiệu Brudzinski là khi đặt trẻ nằm ngửa đầu không nằm trên gối, hai chân duỗi thẳng, bác sĩ sẽ nâng đầu trẻ lên. Bình thường có thể nâng nhẹ nhàng 2 chân của trẻ vẫn duỗi thẳng, nếu hai chân co lại là dương tính với bệnh.

Dấu hiệu Kernig là khi đặt trẻ nằm ngửa đầu không gối, chân duỗi thẳng, bác sĩ luồn tay dưới gót chân bệnh nhân rồi nâng lên từ từ (cả 2 chân). Bình thường nâng lên đến trên 90 độ chân vẫn duỗi thẳng, nếu chưa tới 90 độ mà chân co lại (cẳng chân gập về phía đùi) là trẻ có thể đang nhiễm bệnh.

8. Da nổi nốt, phát ban

Phát ban ở da cũng có thể xảy ra khi trẻ mắc viêm màng não. Cha mẹ có thể dùng 1 chiếc cốc thủy tinh để thử nghiệm xem những nốt phát ban này có liên quan tới bệnh hay không. Cách làm: Lấy một ly thủy tinh sạch, đặt ly vào phần da phát ban và ấn mạnh vào vùng da đó. Nếu các nốt ban mờ cùng với da tức là trẻ không bị viêm màng não. Nếu nốt phát ban không mờ, thì rất có thể trẻ đang nhiễm bệnh và cần được điều trị sớm.

Vì vậy, nếu cha mẹ phát hiện trẻ có các biểu hiện sốt cao kèm theo đau đầu, buồn nôn, nôn và cứng cổ, sợ ánh sáng, xuất hiện các ban máu, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

0