Ngày 21/11, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Câu lạc bộ Trẻ em Việt Nam trên không gian mạng thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, không gian mạng là môi trường làm việc, giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, những nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng. Những nguy cơ này trở nên rõ nét hơn với trẻ em bởi các em sử dụng mạng, các ứng dụng, trò chơi trên các thiết bị thông minh có kết nối internet… mà chưa có kỹ năng nhận diện những mối nguy hiểm cũng như cách phòng tránh rủi ro. Vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là thách thức của mọi quốc gia trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Vũ Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, trẻ em – đối tượng dễ bị tổn thương nhất – đang đối mặt với nhiều nguy cơ khi các em chưa có đầy đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh rủi ro trong không gian mạng. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay, hợp tác từ nhiều phía.
Ông Đặng Vũ Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tại Việt Nam, Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025" được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 830/QĐ-TTg đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên mạng. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các nhiệm vụ còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Ông Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh, "chìa khóa" để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là sự kết nối, hợp tác giữa các đơn vị, các bên liên quan. Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) cam kết đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp để thực hiện các sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, để cùng xây dựng môi trường mạng thực sự an toàn và bền vững cho thế hệ trẻ.
Chuyên gia Phan Thị Kim Liên (Tổ chức Tầm nhìn quốc tế tại Việt Nam - World Vision International Việt Nam) cho biết, trên internet, trẻ em là người dùng, đồng thời cũng người tạo ra nội dung. Trẻ em có thể là người bị hại và cũng có thể là đối tượng gây hại, là đối tác của các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các em nhận thức được những ảnh hưởng xấu trên mạng và có những hành động tự bảo vệ bản thân trên mạng.
Các diễn giả chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo.
Bà Kim Liên kiến nghị các đơn vị, tổ chức cần tăng cường phối hợp nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò, trách nhiệm của trẻ em khi để các em tương tác trên mạng xã hội; chung tay xây dựng văn hóa sử dụng mạng lành mạnh, thúc đẩy văn hóa, hình thành thói quen dùng mạng văn minh cho trẻ em. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh, những đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em cần nghiên cứu, trải nghiệm các hành vi, thói quen của trẻ để có những phát hiện sớm, kịp thời hỗ trợ khi các em gặp các vấn đề trên mạng.
Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trẻ em trên không gian mạng cho biết: Tháng 6/2024, Hiệp hội An toàn thông tin đã ban hành tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 nhằm thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng internet. Tiêu chuẩn này góp phần đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, từ đó giúp người dùng, các bậc phụ huynh yên tâm lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cho con em sử dụng. Tiêu chuẩn cũng là tiền đề thúc đẩy sự hợp tác của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như đông đảo người dùng cùng chung tay bảo vệ trẻ em trước những nguy hiểm trên không gian mạng.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) với trẻ em trên môi trường mạng - Lợi ích và những nguy cơ; giải pháp công nghệ hỗ trợ phụ huynh và nhà trường phòng, chống thông tin độc hại cho trẻ em; kinh nghiệm quốc tế và cách tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ trên môi trường mạng.