Đã có 72 lượt ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và 5 ý kiến đóng góp bằng văn bản, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong văn bản tổng hợp vừa được gửi đến ĐB sáng 26-6.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định kinh doanh dược phẩm online. Ảnh minh họaCòn nhiều ý kiến khác nhau về quy định kinh doanh dược phẩm online. Ảnh minh họa

Nhiều chính sách mới chưa được đánh giá tác động

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, một số ý kiến cho rằng các nội dung sửa đổi liên quan đến rất nhiều luật khác, vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật hiện hành, ví dụ như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Quảng cáo; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Giao dịch điện tử; Luật Khám, chữa bệnh; Luật Giá; Luật Đấu thầu; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ... Một số ý kiến cho rằng một số chính sách trong dự thảo đã được bổ sung, mở rộng hơn nhiều so với 5 chính sách tại đề nghị xây dựng luật, song lại chưa được đánh giá tác động như oxy y tế, kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, giao thẩm quyền cấp phép chứng chỉ hành nghề cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Trong số các vấn đề cụ thể, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến tiềm năng, lợi thế của dược liệu, bài thuốc cổ truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiềm năng phát triển công nghiệp dược trong nước. Có ý kiến cho rằng, hiện có thực trạng khối ngoại đang “thôn tính” dần dần các doanh nghiệp dược Việt Nam, dẫn đến nguy cơ mất an ninh dược phẩm và không đạt được mục tiêu phát triển ngành dược trong nước. Do đó, các vấn đề cơ bản về đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm cần được chi phối bởi Luật Dược, sau đó mới áp dụng các quy định liên quan như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán.

 Nhiều ý kiến đề nghị thiết kế chính sách ưu đãi đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng ưu tiên, chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam. Các chính sách ưu đãi đầu tư cần mang tính đột phá, đồng bộ về đầu tư, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt Nam, phát triển chuỗi giá trị, liên kết phát triển dược, nhất là phát triển dược liệu, vùng trồng dược liệu quý, sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu có sẵn trong nước.

 Cũng có ý kiến cho rằng, cần thu hút đầu tư nước ngoài đối với những lĩnh vực Việt Nam còn thiếu và yếu như đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ, nhất là trong việc sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc sinh học, thuốc công nghệ mới, thuốc điều trị, thuốc biệt dược để bảo đảm an ninh y tế khi dịch bệnh xảy ra. Có ý kiến cho rằng, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thuốc, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các loại máy phục vụ trong công nghiệp dược, không chỉ chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế mà còn về nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, đất đai.

 Có ý kiến cho rằng quy định cho phép các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế hàng năm để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, kéo dài thời gian sử dụng quỹ lên 10 năm khác biệt rất lớn so với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; cần đánh giá tác động rõ ràng thực trạng sử dụng quỹ này.

 Còn ý kiến khác nhau về kinh doanh dược phẩm online

 Nhóm ý kiến về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử cũng có nhiều ý kiến với góc nhìn khác nhau. Một số ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định kinh doanh thuốc qua hình thức thương mại điện tử là cần thiết, phù hợp thực tiễn, mặc dù cần quy định cụ thể, thận trọng, kiểm soát chặt chẽ. Ở chiều ngược lại, một số ý kiến không đồng tình bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử; ý kiến khác cho rằng nên mở dần chính sách khi điều kiện quản lý tốt hơn.

 Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thuốc bán online gây nguy hại đến sức khỏe và những sản phẩm quảng cáo là thuốc mà không phải là thuốc. Bộ Y tế cần có một đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên mạng xã hội, tiếp nhận thông tin cung cấp cho các cơ quan chức năng điều tra và công khai cho người dân được biết trên các trang web, các app của bộ.

0