Thứ Sáu, 25/10/2024 10:37 (GMT+7)

Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

(SKTE)-Sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Ảnh đại diện tin bài

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, trong chương trình làm việc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Tiếp đó là thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cổng thông tin điện tử liên tục cập nhật nội dung phiên họp…

10h22: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Giải thích rõ ràng, cụ thể hơn nữa về khái niệm “đô thị mới”, “nhiệm vụ quy hoạch”

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, về giải thích từ ngữ, khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật có nêu, đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai theo định hướng được xác định tại quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn hoặc quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, được đầu tư xây dựng từng bước đồng bộ theo các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị cần quy định thêm về quy mô dân số tối thiểu phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chí của đô thị loại V, phù hợp với từng vùng miền. (Còn tiếp)

10h16: Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Bổ sung yêu cầu về quy hoạch đô thị và nông thôn

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ quan tâm đến quy định về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 6. Đại biểu cho rằng, các nội dung tại Điều này còn thiếu, chưa quy định một yêu cầu rất quan trọng là phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đất, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vùng tỉnh, vùng huyện 5 năm và tầm nhìn định hướng phát triển chung lâu dài… (Còn tiếp)

10h12: Đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La: Cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Vi Đức Thọ nhấn mạnh, việc ban hành Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển của đất nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Do vậy, đại biểu khẳng định việc ban hành Luật là hết sức cần thiết.

Về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 3, đại biểu Vi Đức Thọ đề nghị bỏ nội dung khoản 6 Điều 3. Đại biểu cho rằng, quy định những khu vực loại đô thị không được quy hoạch phân khu là không cần thiết, vì khoản 5, Điều 3 đã quy định các trường hợp phải lập quy hoạch phân khu, như vậy, đương nhiên những trường hợp còn lại là không phải lập quy hoạch phân khu.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 13, đại biểu Vi Đức Thọ nhất trí hoàn toàn với 3 nhóm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 13. Riêng khoản 2 Điều này, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “cố ý” và bổ sung nội dung: Cung cấp không đầy đủ, trừ các thông tin thuộc bí mật Nhà nước, cung cấp không kịp thời”. Vì đại biểu cho rằng, thực tế xác định hành vi cố ý là rất khó; nội dung bổ sung phù hợp với khoản 1 Điều 9 quy định về công bố quy hoạch đô thị và nông thôn…

Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa, bổ sung nội dung khoản 2 Điều 13 như sau: “Công bố cung cấp sai, cung cấp không đầy đủ, trừ các thông tin thuộc bí mật Nhà nước, cung cấp không kịp thời hoặc không cung cấp thông tin quy hoạch, hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.”

10h06: Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng: Cần quy định rõ đối với các khu vực không phải lập quy hoạch chi tiết

Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Tô Ái Vang nêu quan điểm cần quy định rõ đối với các khu vực không phải lập quy hoạch chi tiết...

Tại khoản 2, Điều 3 quy định đối với các trường hợp không lập quy hoạch chi tiết, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị bổ sung 2 đối tượng: Một là, các khu vực thực hiện dự án do một chủ đầu tư thực hiện có quy mô dưới 5 hec-ta, trừ dự án phát triển nhà ở thì không phải lập quy hoạch chi tiết. Bởi vì hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng dù có quy mô rất nhỏ, chỉ một hoặc vài trăm mét vuông về diện tích cũng phải lập quy hoạch chi tiết hay là quy hoạch tổng thể mặt bằng, trong khi trước đây chỉ thực hiện hồ sơ tổng mặt bằng trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mà không phải lập quy hoạch chi tiết.

Hai là, các khu vực thuộc xã nằm ngoài khu vực dân cư nông thôn thì không phải lập quy hoạch chi tiết do trên địa bàn của xã phần lớn có diện tích là khu vực nông thôn, nông nghiệp nên không cần thiết hoặc khó có thể đủ nguồn lực để phủ kín quy hoạch chi tiết cho toàn xã...

10h04: Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tranh luận

Tranh luận với đại biểu, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, căn cứ báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang đề nghị luật này chuyển từ luật quy hoạch ngành quốc gia sang luật kỹ thuật chuyên ngành. Đại biểu cho rằng, như vậy tính chất và nội hàm cũng khác nhau. Đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ là dự án luật này theo hướng luật chuyên ngành và hạ tầng kỹ thuật phù hợp hơn.

9h59: Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đảm bảo thống nhất với Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho biết, về quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, dự thảo luật có quy định các bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch phân khu đô thị được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/2.000. Song, theo Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, thì một trong các điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là có quy hoạch chi tiết hoặc có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu cho rằng, tại các khu vực thành phố đã lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 sẽ không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đất đai được. Để đảm bảo thống nhất giữa Luật Nhà ở, Luật Đất đai với lĩnh vực quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu kiến nghị bổ sung một khoản tại Điều 65 quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 thì được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong trường hợp cần thiết thì các địa phương đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 được phép lập lại quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.

Về hệ thống quy hoạch đô thị, thực hiện Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô, thành phố Hà Nội lập quy hoạch chung thủ đô, dưới quy hoạch chung Thủ đô là các quy hoạch chung, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, thị trấn, thị tứ. Dưới quy hoạch chung đô thị mới lập các quy hoạch phân khu đô thị. Từ đó dẫn đến, để lập được quy hoạch phân khu cơ bản phải thông qua 2 cấp độ quy hoạch chung là quy hoạch chung thủ đô và quy hoạch chung đô thị, thị trấn.

Hiện nay, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn vẫn đang tiếp tục quy định tại Điều 3, Điều 20 là quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chung thị xã, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đô thị mới… Từ đó dẫn đến, sau khi điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được duyệt, thì thành phố Hà Nội sẽ phải tiếp tục lập quy hoạch chung 2 thành phố trực thuộc, các đô thị vệ tinh, thị xã, thị trấn, rồi mới lập được các quy hoạch phân khu.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định, đối với thành phố trực thuộc trung ương, chỉ lập một cấp quy hoạch chung thành phố, sau đó sẽ lập ngay các quy hoạch phân khu để tránh lãng phí, sớm khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.

9h54: Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Đảm bảo phạm vi của dự thảo Luật

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Quốc Luận bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung một số cụm từ tại một số quy định…

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào sau cụm từ “quy hoạch tỉnh” thành “Cụ thể hóa phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội...”. Bên cạnh đó, tại khoản 9, Điều 6, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm cụm từ “bảo vệ môi trường” và sửa thành: “Khi lập quy hoạch khu vực phát triển mới phải đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa khu vực phát triển mới và khu vực hiện hữu, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ bản sắc đặc trưng của các khu vực”.

Đặc biệt tại khoản 5, Điều 7 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị không quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo phạm vi điều chỉnh của dự án luật chỉ áp dụng với quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đó, mối quan hệ với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định tại Luật Quy hoạch; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định tại Luật Đất đai để tránh chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

9h47: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần giải quyết hài hòa các loại quy hoạch, tạo không gian phát triển cho địa phương

Đối với việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại Điều 36, đại biểu Dương Khắc Mai cơ bản thống nhất với quy định này và cho rằng, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch và hoàn thiện tốt nhất cho việc quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn mang tính chuyên ngành, nhiều thuật ngữ, bản vẽ… và không phải người dân nào cũng hiểu rõ và trình độ dân trí chưa có sự tương đồng.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận quy hoạch của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Để có được quy hoạch tốt, đảm bảo sự đồng thuận của người dân, tránh được hình thức trong việc lấy ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị ngoài việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch đô thị và nông thôn như dự thảo, cần xem xét bổ sung cơ quan, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm phân loại các nội dung cụ thể cần lấy ý kiến, chuyển hóa các nội dung đơn giản hơn, xác định các vấn đề chính về hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, nhà ở… gắn với địa bàn dân cư để người dân có ý kiến.

Từ những bất cập quy hoạch trong thực tiễn hiện nay, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị dự thảo luật cần giải quyết tốt, hài hòa các loại quy hoạch như khoáng sản, đất đai, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… nhằm tạo không gian phát triển tốt cho địa phương. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn, các tác động tiêu cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch bô-xít hiện nay như dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để việc thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn tại Luật này được đồng bộ và thực sự tạo động lực phát triển.

Góp ý về Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, quy định này cơ bản phù hợp, tuy nhiên cần xem xét tính đặc thù ở từng vùng miền. Ở những nơi có diện tích rộng, dân cư thưa thớt thì chi phí hoạt động cho quy hoạch có thể tăng lên. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần có sự phân bổ kinh phí thường xuyên từ NSNN cho phù hợp.

9h18: Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương

Phát biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với quan điểm, đối với thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh, cần phải có quy hoạch chung. Bởi mỗi loại quy hoạch này có chức năng khác nhau, nhưng để tránh sự chồng chéo, trùng lặp, trong dự thảo luật này phải phân định rõ ràng. Trong đó, quy hoạch chung thực hiện chức năng định hướng phát triển cho tất cả các ngành, các lĩnh vực và sau đó còn có quy hoạch chi tiết của từng ngành, từng lĩnh vực...

Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 20 phải quy định theo hướng: cụ thể hóa những nội dung về phát triển các yếu tố hạ tầng, chứ không phải là định hướng. Thậm chí ở những khu vực nào không có quy hoạch phân khu thì phải xác định rõ ranh giới của các yếu tố này để cắm mốc giới; còn khu vực nào có khu vực phân khu cần phải xác định vị trí, thì quy hoạch phân khu xác định mốc giới.

Đại biểu cũng đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở Điều 50, khoản 3 cần chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, thực hiện các quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó mới quy hoạch đô thị để tránh tình trạng như hiện nay đó là đi xin đất làm hạ tầng trước nhưng quy hoạch không có.

Đại biểu cũng cho biết, quy hoạch thực chất là việc lựa chọn những phương án phân bổ nguồn lực để cho các mục tiêu phát triển. Vậy, làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực, trong đó nguồn lực đất đai là nguồn lực quan trọng nhất. Chúng ta phải quy định trong luật, đó là trong các phương án lựa chọn về phát triển đô thị phải có việc đánh giá về chi phí lợi ích trong việc sử dụng đất, để có cơ sở để thuyết minh.

9h13: Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ: Cần xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị

Để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Đào Chí Nghĩa góp ý một số nội dung:

Thứ nhất, tại Điều 2, giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung, sửa đổi điểm 9: Cảnh quan là không gian được xem xét nhiều hướng khác nhau như không gian xung quanh công trình kiến trúc, quảng trường, đường phố, hè, đường đi bộ, công viên, thảm thực vật, vườn cây, vườn hoa, đồi, núi, gò đất, đảo, cù lao, triền đất tự nhiên, đất bãi bồi, dải đất ven bờ sông, dải đất ven bờ biển, mặt hồ, mặt sông, kênh, rạch và không gian sử dụng chung khác.

Thứ hai, tại Điều 6. Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu thành phố Cần Thơ, đại biểu đề nghị cần làm rõ cụm từ “đô thị lớn”, đồng thời xác lập các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị.

Thứ ba, đề nghị làm rõ các khái niệm "khu chuyển đổi chức năng", "khu hạn chế phát triển", "khu phát triển mới", "khu dự trữ phát triển" và hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và biện pháp quản lý.

Bên cạnh đó, đại biểu Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tham mưu với Chính phủ về công tác lập quy hoạch, vì nội dung chính của dự thảo luật này gắn liền với quy hoạch đất đai. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

9h07: Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực của pháp luật chuyên ngành

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Dương Văn Phước cho biết, trong quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, điểm c khoản 5 Điều 3 của dự thảo Luật có quy định quy hoạch phân khu được lập cho trường hợp “Khu vực cần phải lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan”. Đại biểu cho rằng cần bỏ điểm này, vì quy hoạch phân khu đô thị và nông thôn cần được thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trường hợp có mâu thuẫn giữa các luật thì cần có sự điều chỉnh thống nhất tại một luật chuyên ngành thay vì phải rà soát tất cả các luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực của pháp luật chuyên ngành.

Điểm d, khoản 7, Điều 3 trong dự thảo Luật quy định: Quy hoạch chi tiết được lập cho trường hợp khu vực được xác định theo pháp luật về đất đai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định này. Hiện nay, pháp luật về nhà ở chỉ quy định lập quy hoạch chi tiết cho dự án nhà ở. Việc lập quy hoạch chi tiết cho tất cả các dự án đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, kể cả dự án nhà ở sẽ không hiệu quả, vì lập quy hoạch chi tiết cần huy động được sự sáng tạo, ngoài ra còn có khó khăn trong công tác điều chỉnh sau khi thực hiện đấu thầu, đấu giá.

Về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, dự thảo luật quy định, việc quản lý kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan. Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện và kiểm soát việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán theo khối lượng thông qua hợp đồng. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, UBND các cấp trong vấn đề này. Cụ thể, Bộ Xây dựng lập, ban hành danh mục dự án quy hoạch và kế hoạch kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm đối với quy hoạch do Bộ Xây dựng tổ chức lập và các quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao. Ủy ban nhân dân các cấp lập, ban hành danh mục dự án quy hoạch và kế hoạch kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước hằng năm đối với các quy hoạch đô thị và nông thôn trong phạm vi quản lý hành chính của mình, trừ các quy hoạch do Bộ Xây dựng tổ chức lập. Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố định mức, đơn giá, phương pháp xác định chi phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung UBND các cấp phê duyệt dự toán theo phân cấp của pháp luật về ngân sách đối với các đồ án thuộc trách nhiệm của cấp mình lập, nhằm đảm bảo tính chủ động, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện.

Ngoài ra, về căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về lấy cơ sở pháp lý về kết quả sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch tỉnh để làm căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đại biểu, quy định như vậy thì việc triển khai trong thực tiễn mới tránh được những bất cập, khó khăn.

9h02: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ về khu chức năng

Góp ý tại Phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Tuy nhiên để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung giải thích khái niệm khu chức năng tại khoản 5, Điều 2 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, nội dung của khoản này chưa đề cập tới “cụm công nghiệp” – loại hình đang hình thành và phát triển tại nhiều địa phương. Do vậy, đề nghị cần làm rõ “cụm công nghiệp” có phải một trong những khu chức năng hay không để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và thuận tiện khi thực hiện triển khai thực thi dự án Luật…

Ngoài ra, về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, theo đại biểu, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan tới quy hoạch, dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ vai trò, vị trí của các phương án quy hoạch hệ thống đô thị, phương án quy hoạch nông thôn thuộc quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 27 của Luật Quy hoạch năm 2017 với hệ thống các quy hoạch đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, dự thảo luật này cũng cần xác định và làm rõ tính thống nhất trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể cho hệ thống đô thị và nông thôn theo quy định tại Điều 28 của Luật Quy hoạch năm 2017.

Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ quy mô tối thiểu của khu chức năng cần phải lập quy hoạch phân khu để tránh tình trạng khu chức năng có quy mô nhỏ và rất nhỏ cũng phát sinh thêm bước lập quy hoạch phân khu…

8h57: Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Làm rõ về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm

Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ về quyền sở hữu và khai thác không gian ngầm; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng...

Về lấy ý kiến của cộng đồng khu dân cư được quy định tại Điều 36 và Điều 37, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng, các điều luật trên đã đề cập đến việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quy hoạch nhưng chưa có cơ chế rõ ràng về việc phản hồi và xử lý các ý kiến này.

Thời gian lấy ý kiến trong dự thảo luật quy định là 30 ngày đối với cộng đồng dân cư nhưng chưa quy định về việc tiếp thu, phản hồi như thế nào. Do vậy, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý phản hồi lại cho cộng đồng và cũng đề nghị nghiên cứu cần bổ sung quy định về việc tổ chức các buổi đối thoại công khai giữa các cơ quan chức năng và người dân trong trường hợp có tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến về quy hoạch để đảm bảo minh bạch và đồng thuận, thuận lợi hơn trong quá trình triển khai quy hoạch.

8h53: Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Bổ sung phần giải thích từ ngữ tại Điều 2

Thống nhất nhiều nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông góp ý về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2. Để đảm bảo sự đồng bộ giữa các luật, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “công trình thủy lợi” vào khoản 15 Điều 2 của dự thảo Luật, cụ thể như sau: “Hạ tầng kỹ thuật là khung hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính của đô thị, nông thôn và khu chức năng, được xác định trong nội dung quy hoạch chung và quy hoạch phân khu gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn nước, hệ thống tưới tiêu, thoát nước, công trình thủy lợi và các công trình hạ tầng kỹ thuật phân theo tuyến”.

Về trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Điều 16, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, bổ sung quy định rõ cơ quan thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn là cơ quan tổ chức lập hoặc được giao quy hoạch đô thị và nông thôn là các cơ quan độc lập với nhau nhằm minh bạch, khách quan, tránh lợi ích nhóm trong quá trình lập và thẩm định quy hoạch.

Để đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định: Quy hoạch chung là cơ sở để xác định lập các dự án đầu tư không chỉ ở mỗi dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung như quy định tại khoản 6 Điều 21, khoản 5 Điều 22, khoản 4 Điều 26, và khoản 5 Điều 27 của dự thảo Luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể về quy mô phải lập quy hoạch chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện và bổ sung quy định về quy hoạch chi tiết thực hiện theo quy trình rút gọn.

8h49: Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Không cần thiết lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp trong quy hoạch chung cấp tỉnh

Góp ý quy định về việc bảo đảm của sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 8, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết, dự thảo luật đang quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ, khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.

Theo đại biểu, quy định như điều này làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch; quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn. Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Về việc không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung tại khoản 2 Điều 25 , đại biểu cho rằng quy hoạch chung huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện tại Điều 26, 27, 28. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính được chia thành bốn cấp; mặt khác đơn vị hành chính cấp huyện được giao phụ trách quản lý đơn vị hành chính cấp xã theo địa bàn, lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, không cần thiết phải lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.

Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 47), đại biểu cho biết, nội dung cơ bản trong dự thảo Luật quy định phân cấp cho cấp thẩm quyền thấp hơn được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền cao hơn phê duyệt theo trình tự được cấp cao hơn quy định.

Theo đại biểu, nội dung này chưa bảo đảm nguyên tắc tuân thủ trong quản lý hành chính nhà nước “cơ quan nhà nước cấp dưới phải tuân thủ văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Việc cho phép cấp dưới điều chỉnh cục bộ quy hoạch do cấp trên phê duyệt sẽ dẫn tới việc khó theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện quy hoạch của cấp trên. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc trên.

Về nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, tại khoản 5 Điều 5 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định đối tượng của đầu tư công là các đối tượng theo quy định của pháp luật về quy hoạch (hiện nay là Luật Quy hoạch năm 2017). Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quy hoạch năm 2017 đang xin ý kiến rộng rãi cũng đã quy định chi tiết việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đối tượng điều chỉnh theo Luật Quy hoạch 2017, trong đó quy định chi tiết: đầu tư công được sử dụng để thực hiện 05 quy hoạch gồm: quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể đô thị nông thôn; các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 01 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 01 tỉnh) sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi nhân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Điều này có thể gây lãng phí nguồn lực ngân sách, chưa đảm bảo mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có nội dung “từng bước cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỉ trọng chi đầu tư, giảm dần tỉ trọng trong chi thường xuyên”.

8h42: Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: đề nghị bổ sung khái niệm về "công trình ngầm"

Đánh giá cao dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Đề cập tới nội dung thành phố trong thành phố, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cân nhắc có nên đưa thêm khái niệm «siêu đô thị » trong dự thảo luật ?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng đề nghị bổ sung khái niệm về "công trình ngầm" trong Điều 2 của dự thảo luật để tránh các trường hợp diễn giải khác nhau trong tương lai.

Về quy định về bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 9) còn quá chung chung, cần cụ thể hóa hơn, ví dụ như quy hoạch quản lý rác thải đô thị. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng hơn về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ quy hoạch, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích khi các nhà đầu tư tư nhân tài trợ.

Về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng Điều 21 về quy hoạch cấp thành phố trực thuộc trung ương quá chi tiết, có thể gây khó khăn cho các cơ quan thực hiện, đề nghị cân nhắc viết theo hướng bao quát hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc giảm bớt các quy hoạch chi tiết, đơn giản như quy hoạch cấp nước, vì quá nhiều quy hoạch sẽ gây rắc rối, thay vào đó có thể quy định chung trong luật, còn các bước cụ thể để lập quy hoạch có thể để trong các quy định ngành.

8h36: Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống các quy hoạch

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết, quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.

Đối với khái niệm đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng, khoản 1 và khoản 3 Điều 2 giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… Theo đại biểu, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc. Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.

Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, khoản 6 Điều 16 dự thảo Luật quy định: cơ quan tổ chức có chức năng quản lý đầu tư xây dựng đất đai tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao.

Đại biểu cho rằng, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.

8h30: Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng: Cần bổ sung nguyên tắc áp dụng quy hoạch khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch

Góp ý tại Phiên họp, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch…

Đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện.

Theo đại biểu, việc quy định như dự thảo Luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.

Bên cạnh đó, Điều 8 của dự thảo Luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của Luật này. “Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý. Mặc dù trong dự thảo Luật cũng đã có quy định các nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung của các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi”, đại biểu nêu rõ…

Từ các phân tích trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó để có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của nhà nước.

8h24: Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Nên giao Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực

Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng, quy hoạch đô thị và nông thôn hiện còn thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được phát triển kinh tế, còn diễn ra ùn tắc giao thông.

Trong thời gian vừa qua, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn một số bất cập, chưa hoàn thiện, lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý còn hạn chế. Cụ thể như quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng chất lượng đô thị hóa chưa cao, chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, kết cấu chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế; còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm ở các thành phố lớn, thiếu an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thiếu không gian xanh, không gian ngầm và không gian sinh hoạt công cộng...

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đồng thời là không vi phạm những hành vi bị cấm trong Luật này...

8h16: Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội: Cần bổ sung định nghĩa rõ ràng “khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị”

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Phương Thủy tán thành với các nội dung đã được giải trình, tiếp thu của UBTVQH và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ nội dung quy định khái niệm thế nào là “khu vực nội thành, nội thị”. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị, đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.

“Việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của kinh tế đô thị, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác”, đại biểu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, do hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị nên dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng là có một số đô thị, chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối.

Do đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị trong dự thảo Luật này cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị; đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị tại Điều 6, Điều 7 và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này tại Điều 20, Điều 21. Điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị, và làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.

8h14: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Phát biểu điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật. Dự thảo luật cũng được gửi xin ý kiến Chính phủ và các Đoàn ĐBQH để tiếp thu, hoàn thiện. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung vào các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và các nội dung có nhiều ý kiến tham gia như: mối quan hệ giữa các quy hoạch; nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; xử lý trường hợp có mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương; thời hạn lập quy hoạch; quy hoạch phân khu đô thị; quy hoạch chung xã; thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; quy định các trường hợp chuyển tiếp.

8h01: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống QHĐTNT, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung (QHC), quy hoạch phân khu (QHPK) và quy hoạch chi tiết (QHCT) có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần; đồng thời, quy định rõ các nội dung tại QHC được cụ thể hóa tại QHPK, các nội dung tại QHPK được cụ thể hóa tại QHCT. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống QHĐTNT với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017; theo đó, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Liên quan đến nội dung này, ngày 24/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 513/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, trong đó quy định rõ QHĐTNT là “quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý 02 dự thảo Luật, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa 02 dự thảo Luật.

Về các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính khi lập quy hoạch đô thị và nông thôn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối với các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính theo hướng giảm lược tối đa các quy hoạch phải lập.

Về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung (Điều 7); quy định bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các QHC; trường hợp QHC khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì QHC có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp QHC có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì QHC được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước.

Về cơ chế giải quyết vướng mắc này, căn cứ ý kiến của Chính phủ, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, tách thành Điều 8 với nội dung cụ thể như sau: Trường hợp có mâu thuẫn giữa các QHĐTNT cùng cấp độ thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh. Trường hợp mâu thuẫn giữa các QHĐTNT khác cấp độ thì các cơ quan tổ chức lập quy hoạch thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Chương III của Luật này.

Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp độ thì các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục báo cáo, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động QHĐTNT.

8h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo chương trình Kỳ họp, hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Mở đầu phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

0
Quan tâm hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật và phát huy văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới
Quan tâm hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật và phát huy văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới

(SKTE) - Nhân dịp năm mới 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã có chia sẻ với phóng viên Tạp chí Sức khỏe Trẻ em: về những chính sách quan trọng, thiết thực hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, sự bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển đất nước.

Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay
Nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên vàng từ ngày hôm nay

Phát biểu nhậm chức Tân Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu từ ngày hôm nay. Đất nước chúng ta từ hôm nay sẽ lại thịnh vượng và được tôn trọng lần nữa trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ là niềm ghen tị của mọi quốc gia và sẽ không để mình bị lợi dụng nữa”.

Cầu Hàm Rồng - Chứng nhân lịch sử của Xứ Thanh
Cầu Hàm Rồng - Chứng nhân lịch sử của Xứ Thanh

(SKTE) - Cầu Hàm Rồng - một biểu tượng lịch sử của mảnh đất xứ Thanh. Với hơn một thế kỷ tồn tại, cây cầu này đã chứng kiến nhiều đổi thay, trở thành niềm tự hào của người dân Thanh Hóa và là một phần không thể thiếu trong ký ức lịch sử nước nhà.

“Sống trong lòng dân”
“Sống trong lòng dân”

Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ xúc động trước những việc làm ý nghĩa - những câu chuyện đẹp, giàu tình người, thể hiện chân thực sự cống hiến, hy sinh của Công an xã, thị trấn và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thưởng 4,4 tỷ đồng cho 10 cầu thủ Hà Nội
Thưởng 4,4 tỷ đồng cho 10 cầu thủ Hà Nội

(SKTE) - Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng vận động viên Hà Nội đạt thành tích xuất sắc tại Giải Vô địch bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024, mỗi cầu thủ Hà Nội 50 triệu đồng. Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng SHB đã công bố mức thưởng lên tới 4,4 tỷ đồng cho 10 cầu thủ của CLB Hà Nội và CLB Công an Hà Nội

Tuyên truyền kịp thời, đậm nét các hoạt động quân sự, quốc phòng
Tuyên truyền kịp thời, đậm nét các hoạt động quân sự, quốc phòng

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản toàn quân năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, với sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lan rộng phong trào hiến máu tình nguyện dịp Tết trong toàn xã hội
Lan rộng phong trào hiến máu tình nguyện dịp Tết trong toàn xã hội

(SKTE)- Ngày 15/1, tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức phát động Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện “Lễ hội Xuân hồng” năm 2025 với thông điệp “Hiến máu đầu Xuân - Nhân lên hạnh phúc”.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam