Đại biểu Nguyễn Tri Thức, thứ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: Tiến Long
Tại tổ đại biểu TP.HCM, đại biểu Nguyễn Tri Thức - thứ trưởng Bộ Y tế - phát biểu thảo luận ở vai trò vừa là thứ trưởng Bộ Y tế, vừa là người từng là giám đốc một bệnh viện trung ương lớn (Bệnh viện Chợ Rẫy).
Theo ông Thức, dự thảo có một số nội dung quy định nếu được áp dụng sẽ rất có lợi cho người dân. Trong đó có quy định xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
"Một em sinh viên người Thanh Hóa ra Hà Nội học đăng ký khám chữa bệnh tại Hà Nội, đến hè về Thanh Hóa nếu có đi khám, chữa bệnh lại coi là trái tuyến, điều này vô lý nên dự thảo lần này bỏ quy định này", ông Thức lý giải.
"Trước đây quy định bảo hiểm y tế sẽ phân bổ mỗi năm một hạn mức tiền cố định cho từng bệnh viện tuyến dưới. Nếu chuyển bệnh nhân lên, bệnh viện tuyến trên sử dụng bao nhiêu thì bệnh viện tuyến dưới phải chịu khoản tiền đó trừ vào hạn mức. Do vậy bệnh viện tuyến dưới ngại không chuyển. Bây giờ quy định bỏ rồi, bệnh viện không còn ngại chuyển".
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết có nhiều đại biểu, cử tri kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến giữa các cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên ý kiến cá nhân ông và nhiều giám đốc bệnh viện cho rằng nếu bỏ chỉ nên bỏ ở cấp ban đầu và cấp cơ bản. Từ hai cấp dưới lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.
Lý giải kỹ việc này, theo ông Thức, giấy chuyển tuyến có vai trò quan trọng và rất cần thiết trong ngành y. Giấy này có vai trò tóm tắt bệnh án, từ đó bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể đọc được các triệu chứng, biểu hiện ban đầu cũng như diễn tiến bệnh và quá trình điều trị ban đầu của bệnh nhân.
Việc này giúp cho việc chẩn đoán và điều trị sau này tốt hơn. Nếu không có tóm tắt bệnh án sẽ khó chẩn đoán và "có hại" cho bệnh nhân.
Điều quan trọng hơn nếu bỏ giấy chuyển tuyến chỉ cần 1-2 năm có thể triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở, và làm vỡ trận y tế tuyến chuyên sâu. Việc này sẽ đi ngược chủ trương củng cố hệ thống y tế cơ sở.
Nghiên cứu kinh nghiệm như ở Mỹ một bác sĩ chỉ khám cho 20 ca bệnh/ngày; một bác sĩ thực hiện các ca mổ đặc biệt chỉ mổ được 1 ca/ngày, mỗi ca kéo dài 6-8 tiếng, nếu mổ thêm ca thứ 2 nguy cơ tai biến với bệnh nhân sẽ rất cao. Do vậy phải khống chế lượng khám chữa bệnh của mỗi bác sĩ/ngày.
Tuy nhiên nếu bỏ phiếu chuyển tuyến, bệnh nhân bệnh nhẹ lẫn nặng sẽ ùn ùn lên tuyến chuyên sâu, bỏ tuyến cơ sở. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho các bác sĩ tuyến chuyên sâu, có nguy cơ vỡ trận.