Tính riêng trong năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10. Nguyên nhân khách quan là vào mùa đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ô nhiễm chất lượng môi trường không khí. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ.
Vào thời điểm giao mùa và đặc biệt là khi bước vào mùa tựu trường, tình hình bệnh hô hấp ở trẻ em thường có xu hướng tăng cao do các yếu tố thời tiết biến động và sự lây lan trong môi trường lớp học. Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết các kết quả quan trắc, nghiên cứu của thành phố và chuyên gia cho thấy điểm nóng ô nhiễm ở Thủ đô là bụi PM 2.5 và PM 10. Đã có những mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân. Cụ thể, với sự gia tăng nồng độ bụi PM 2.5 thì trung bình mỗi năm có gần 1.100 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca do bệnh hô hấp.
Bụi mịn trong không khí gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp |
Thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy số lượng trẻ em nhập viện do các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm đều có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do các siêu vi thông thường như Rhinovirus, virus hợp bào hô Hấp (RSV), Adeno, cúm mùa… Các bệnh hô hấp thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút và vi khuẩn phát triển. Theo số liệu thông kê, năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp tương đương với cùng kỳ năm 2023 và các năm trước đó.
Suy hô hấp - căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ em
Trẻ em có hệ hô hấp chưa hoàn thiện, dung tích phổi nhỏ nên dễ bị tổn thương. Với kích thước nhỏ, bụi mịn dễ dàng vượt qua hàng rào bảo vệ tự nhiên của mũi, cổ họng, đi sâu vào các phế nang trong phổi, nơi diễn ra quá trình trao đổi khí. Tại đây, các hạt này gây tổn thương lớp biểu mô phế nang, kích thích phản ứng viêm, làm giảm chức năng hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn.
BS.CKI Bùi Thị Khuyên, Bác sĩ khoa Nhi, chia sẻ trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong mùa đông do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Tại khoa Nhi, các bác sĩ ghi nhận số ca nhập viện vì bệnh hô hấp tăng đột biến trong thời gian mùa đông.
Bé Mai Anh, 4 tuổi, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trong tình trạng sốt cao, khó thở. Theo chia sẻ của phụ huynh, bé bị ho, sốt nhẹ từ 3 ngày trước nhưng nghĩ là cảm cúm thông thường nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt tại nhà. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị.
“Các bênh thường gặp ở trẻ như viêm mũi họng có thể nhanh chóng tiến triển thành viêm phổi nếu không được điều trị đúng cách. Nhiều phụ huynh có thói quen tự điều trị cho con khi thấy các triệu chứng ho, sốt. Điều này không chỉ không hiệu quả mà còn có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, khiến việc điều trị về sau trở nên khó khăn hơn”, bác sĩ Khuyên cảnh báo.
Tác động lên hệ miễn dịch
Khi tiếp xúc lâu dài, không khí ô nhiễm có thể gây viêm mạn tính và làm suy yếu khả năng tự bảo vệ cơ thể của trẻ trước bệnh tật. Khi bụi mịn PM2.5 đi vào phổi, hệ thống miễn dịch nhận diện các hạt bụi này là tác nhân gây hại. Các đại thực bào trong phổi cố gắng "tiêu diệt" chúng bằng cách giải phóng cytokine, một chất gây viêm mạnh. Phản ứng viêm kéo dài có thể gây nên bệnh lý mạn tính ở trẻ.
Mức độ bụi mịn, ô nhiễm không khí đáng báo động. |
Ảnh hưởng đến phát triển não
Hít thở không khí chứa nhiều chất ô nhiễm có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh trong não, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Bác sĩ Thảo cho biết bụi PM2.5 có thể vượt qua hàng rào máu - não, kích thích phản ứng viêm tại não, làm suy giảm chức năng tế bào thần kinh, khả năng nhận thức, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh, bao gồm tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Bụi mịn có thể xuyên qua màng phổi vào hệ tuần hoàn máu, gây viêm thành mạch, dẫn đến tổn thương nội mô mạch máu, xơ vữa động mạch. Đồng thời chúng làm tăng các gốc tự do, gây tổn thương ADN và tế bào, suy giảm chức năng cơ quan, tăng stress oxy hóa. Tình trạng trên kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp.
Đối với phụ nữ mang thai, nếu tiếp xúc lâu dài với bụi mịn sẽ gây hại đến sức khỏe của thai nhi, dẫn đến các tình trạng sụt cân, tự kỷ, suy nhược thần kinh,... khi trẻ mới sinh ra.