Trẻ thiếu vitamin D dễ ốm, đau xương và cơ
Vitamin D là một trong những dưỡng chất cần thiết đối với sự tăng trưởng và hệ thống miễn dịch của trẻ. Nó cũng tạo điều kiện cho cơ thể dễ dàng hấp thụ canxi, giúp xương chắc khỏe. Ba mẹ có thể nhận biết con bị thiếu vitamin D thông qua những đặc điểm như đau xương, yếu cơ, tăng trưởng và phát triển kém.
Các bé thường xuyên bị ốm hoặc dễ nhiễm trùng có thể do không nhận đủ vitamin D. Các nguồn cung cấp vitamin D tốt như trứng, sữa tăng cường hoặc tắm nắng vào sáng sớm. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tình trạng thiếu vitamin D thường xảy ra ở trẻ em hay ở trong nhà.
Thị lực kém do thiếu vitamin A
Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với thị lực, làn da và chức năng miễn dịch khỏe mạnh. Thiếu hụt có thể gây quáng gà, khô da, thậm chí nhiễm trùng tái phát. Nếu trẻ thường khó nhìn, nhìn mờ hoặc da khô, thô ráp có thể là dấu hiệu cảnh báo thiếu vitamin A. Vitamin này được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cà rốt, khoai lang và rau bina.
Thiếu vitamin C gây chảy máu nướu, chân răng
Vitamin C là chất chống oxy hóa trong cơ thể giúp chống nhiễm trùng, chữa lành vết thương. Biểu hiện thiếu hụt vitamin này có thể bao gồm chảy máu nướu răng, khô da hoặc vết thương chậm lành. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến bệnh scorbut (bệnh do thiếu hụt vitamin C), kèm theo đau khớp, không đủ năng lượng, buồn ngủ. Các nguồn cung cấp vitamin C như trái cây họ cam, quýt, ổi, dâu tây và ớt chuông.
Thiếu vitamin B12 dẫn đến suy nhược, mệt mỏi
B12 rất quan trọng cho sự phát triển trí não và sản xuất hồng cầu. Trẻ thiếu hụt dưỡng chất này thường xuyên suy nhược, mệt mỏi, kém tập trung, da nhợt nhạt hoặc gặp các vấn đề thần kinh. Trẻ ăn chay, kén ăn có nguy cơ thiếu vitamin B12 cao hơn. Thịt, sữa và ngũ cốc ăn sáng tăng cường giàu vitamin B12.
Trẻ tăng trưởng kém do thiếu folate
Các tế bào cần folate (vitamin B9) để phát triển khỏe mạnh. Trẻ thiếu folate có thể tăng trưởng kém, mệt mỏi và khó chịu. Dưỡng chất này đặc biệt quan trọng trong các cột mốc tăng trưởng của trẻ như sơ sinh và thanh thiếu niên. Bông cải xanh, rau bina, đậu và ngũ cốc tăng cường cung cấp folate dồi dào.
Những trẻ có các biểu hiện thiếu vitamin cần được kiểm tra sớm. Bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể xác định nguyên nhân và điều chỉnh phù hợp cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng khuyến nghị của từng dưỡng chất, thay đổi chế độ ăn uống để con có đủ dinh dưỡng.