Luật Quảng cáo đang được xem xét sửa đổi, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện, tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục và cấm quảng cáo xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.
Ảnh hưởng xấu từ các chiến dịch quảng cáo nhắm vào trẻ em
Quảng cáo nhắm vào trẻ em không chỉ gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với hành vi tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển tâm lý và khả năng nhận thức của trẻ. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo sinh động, đầy màu sắc và âm thanh hấp dẫn. Các chiến dịch quảng cáo thường sử dụng những nhân vật hoạt hình, hình ảnh thần tượng, hoặc khẩu hiệu dễ nhớ để thu hút sự chú ý của trẻ.
Tuy nhiên, quảng cáo có thể hình thành những nhu cầu không thực sự cần thiết và lối sống tiêu dùng thái quá, tập trung vào vật chất và coi trọng những giá trị bên ngoài hơn giá trị thực tiễn. Quảng cáo thực phẩm không lành mạnh ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe trẻ em. Ví dụ, quảng cáo các loại đồ uống có ga, snack, thực phẩm chế biến sẵn,… thường khuyến khích trẻ tiêu thụ nhiều hơn, bất chấp các khuyến cáo về dinh dưỡng.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quảng cáo thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và muối có thể thúc đẩy thói quen ăn uống không lành mạnh ở trẻ. Thói quen này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch khi trẻ lớn lên.
Bên cạnh đó, quảng cáo về các sản phẩm công nghệ, trò chơi điện tử hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể khiến trẻ dành nhiều thời gian hơn cho thiết bị điện tử.
Nếu quảng cáo hướng đến trẻ em thì ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt đã có sự chú ý từ các chuyên gia và các cơ quan chức năng để xem xét, đánh giá. Nhưng có những quảng cáo không trực tiếp, hoặc không hoàn toàn hướng đến trẻ em, nhưng trẻ em cũng có thể bị tác động khi tiếp nhận quảng cáo, thì việc nhận diện và đánh giá tác động là khó khăn.
Đại biểu Lê Văn Khảm (Đoàn tỉnh Bình Dương) cũng đề cập đến ảnh hưởng của quảng cáo đối với trẻ em. Theo ông, nhiều nghiên cứu và quan sát thực tế cho thấy, quảng cáo có tác động và tác động có tính chất tích lũy đến cảm xúc, hành vi, cách cảm nhận về các chuẩn mực đến tâm lý, thái độ sống, lối sống của trẻ em.
Ông Khảm cho rằng, một số quảng cáo có thể chưa vi phạm đến thuần phong mỹ tục, nhưng có những hình ảnh không đẹp mắt, như quảng cáo thực phẩm có hình ảnh người truyền tải, có động tác hay cách ăn uống rất xấu làm cho trẻ em tưởng rằng thế là đúng, thế là vui, trong khi chúng ta còn đang dạy trẻ em “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Hoặc quảng cáo có hình ảnh cơ thể như hình dáng, kích thước hay cân nặng của người truyền tải quảng cáo làm cho thanh, thiếu niên bị ám ảnh về hình thể của mình, dẫn đến các em có thể mặc cảm, rối loạn ăn uống, thậm chí là bất mãn hoặc ghét chính bản thân mình. Hay những quảng cáo có ẩn dụ về tình dục, làm cho trẻ tò mò và tìm kiếm thông tin mà không phải từ những bài học giáo dục giới tính mà từ những ẩn ý có từ quảng cáo...
Quảng cáo xấu ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý trẻ em |
Bảo vệ trẻ em khỏi tác hại của quảng cáo thương mại
Thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, trẻ em đang ngày càng đối mặt với những hình thức quảng cáo tinh vi và xâm nhập, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể về bảo vệ quyền lợi của các em.
“Trong kỷ nguyên số, trẻ em đang phải đối mặt với một đại dương quảng cáo khổng lồ, các thuật toán thông minh không ngừng phân tích hành vi của trẻ để đưa ra những quảng cáo cá nhân hóa, vô hình trung tạo ra một áp lực lớn tâm lý đến các em.
Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc quá sớm với những quảng cáo thường xuyên, có thể dẫn đến những vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, tuy nhiên, việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, theo đại biểu.
Đáng chú ý là quảng cáo trên mạng xã hội rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt là quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức. Các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em, đôi khi vượt quá những giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của quảng cáo đối với trẻ em, dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.
Để bảo vệ trẻ em khỏi những tác hại của quảng cáo thương mại, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em về tiêu dùng có trách nhiệm, kiểm soát chặt nội dung quảng cáo.
Kiểm soát chặt nội dung quảng cáo: Gia đình có thể kiểm soát lượng quảng cáo mà trẻ tiếp xúc thông qua việc giám sát và hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử hoặc xem truyền hình. Cha mẹ nên giáo dục trẻ về cách phân biệt giữa quảng cáo và thực tế, giúp trẻ phát triển tư duy phản biện và không bị cuốn vào những thông điệp quảng cáo hấp dẫn.
Giáo dục về giá trị và tiêu dùng bền vững: Gia đình cần giáo dục trẻ về giá trị thực sự của tiền bạc và những quyết định mua sắm hợp lý. Cha mẹ giải thích cho trẻ hiểu việc mua sắm không chỉ là để thỏa mãn nhu cầu tức thì, mà còn phải tính đến yếu tố dài hạn và lợi ích của việc tiết kiệm, tái sử dụng, tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường.
Làm gương cho con: Cha mẹ là tấm gương để trẻ noi theo. Vì vậy, trong gia đình nếu cha mẹ có thói quen tiêu dùng hợp lý, biết cách quản lý tài chính thì con trẻ sẽ học hỏi và làm theo.
Tạo ra những hoạt động bổ ích: Cha mẹ nên tạo ra những hoạt động bổ ích như đọc sách, chơi thể thao, cùng làm việc nhà, tham gia các câu lạc bộ… để phân tán sự chú ý của trẻ vào quảng cáo.
Nhà trường và cộng đồng: Nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ về tư duy phản biện, giá trị sống và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành những quy định chặt chẽ hơn về việc quảng cáo hướng tới trẻ em, đặc biệt là các quảng cáo về thực phẩm không lành mạnh và sản phẩm công nghệ.