Pháp luật cho phép việc sử dụng lao động trẻ em nhưng nghiêm cấm hành vi bóc lột sức lao động trẻ em. Luật trẻ em 2016 hướng dẫn, bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Theo thống kê của Cục Trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 17 tuổi đang phải lao động trái pháp luật, chiếm 5,3% tổng số trẻ em trong cả nước, trong đó có hơn 500.000 trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Cụ thể, buôn bán và khai thác tình dục trẻ em vì mục đích thương mại (CSEC) là hành vi vi phạm tổng thể các quyền của trẻ em, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của trẻ đồng thời tước bỏ của các em cơ hội được  phát triển tối đa tiềm năng của mình. Ở Việt Nam, trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị khai thác nghiêm trọng, dưới hình thức bị buôn bán phục vụ cho hoạt động mại dâm, khiêu dâm, lao động cưỡng bức, lao động nô lệ hoặc lấy nội tạng.

Sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số, mà Việt Nam nằm trong số các quốc gia có lượng người dùng internet cao nhất ở châu Á, gắn với sự leo thang của hoạt động buôn bán người và khai thác tình dục trẻ em vì mục đích thương mại.

Ảnh minh hoạ. 

Đã có những bằng chứng rõ ràng rằng việc khai thác và lạm dụng như vậy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ cả về ngắn hạn và dài hạn, tăng nguy cơ mắc bệnh, mang thai ngoài ý muốn, trầm cảm, bị kỳ thị, phân biệt đối xử và khó khăn ở trường.

Tội phạm sử dụng internet và điện thoại di động để gạ gẫm, thu hút, quấy rối và tống tiền trẻ em để khai thác tình dục. Chỉ một tỷ lệ nhỏ hành vi khai thác và lạm dụng như vậy được báo cáo và điều tra, với rất ít đối tượng gây án phải chịu trách nhiệm.

Những yếu tố này làm giảm khả năng học hỏi và giao tiếp của trẻ cũng như ảnh hưởng đến việc chuyển tiếp sang tuổi trưởng thành với những hậu quả bất lợi sau này trong cuộc sống.

Với hệ thống bảo vệ trẻ em và dịch vụ chuyên môn tại Việt Nam còn trong giai đoạn đầu và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của những em dễ bị tổn thương.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Trong hơn 3 thập niên qua, nước ta đã đạt được thành tựu rất lớn về xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thấp hơn 4,2% so với toàn cầu.. Nỗ lực của Việt Nam trong việc kéo giảm tình trạng lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thanh Huyền tổng hợp