Từ những ý tưởng xuất phát từ đời sống, nhiều sản phẩm khoa học của học sinh Đắk Lắk được ứng dụng hiệu quả, góp phần giải quyết các vấn đề địa phương và nâng cao chất lượng giáo dục.
Biến ý tưởng thành sản phẩm thực tiễn
Tại Đắk Lắk, các trường học từ thành thị đến nông thôn đã áp dụng STEM vào chương trình giảng dạy. Nhiều dự án STEM do học sinh thực hiện mang lại giá trị thiết thực, không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn về kiến thức mà còn tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.
Một trong những dự án tiêu biểu “Thiết kế ứng dụng di động Android để nhận biết sâu bệnh hại cây sầu riêng thông qua hình ảnh và hướng dẫn điều trị từng loại bệnh” do nhóm học sinh Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) thực hiện.
Theo em Lê Huỳnh Diệp Chi, thành viên nhóm dự án, sầu riêng là cây trồng chủ lực của tỉnh, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Thế nhưng, việc chăm sóc và điều trị sâu bệnh vẫn là thách thức. Nhận thấy điều này, các em đã phát triển ứng dụng di động sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hình ảnh từ lá cây bị bệnh, từ đó nhận biết bệnh và cung cấp hướng dẫn điều trị.
“Khi triển khai dự án, chúng em đến từng vườn sầu riêng, chụp ảnh các lá cây bị bệnh để thu thập dữ liệu. Sau đó, dùng công cụ AI huấn luyện mô hình để phân tích hình ảnh và nhận diện bệnh. Dự án được đưa vào sử dụng trong một số gia đình trồng sầu riêng, được nhận xét kết quả thử nghiệm chính xác trên 80% và nhờ đó người dân có thể tìm được cách chữa cho cây bị bệnh”, em Lê Huỳnh Diệp Chi cho biết.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực nông nghiệp, học sinh tại Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Đông Du (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã cho ra đời sản phẩm “Đèn học tích hợp cảnh báo giúp phòng tật cận thị cho học sinh”. Sản phẩm này không chỉ đảm bảo ánh sáng đủ tiêu chuẩn mà còn tích hợp cảm biến để cảnh báo khi học sinh ngồi sai tư thế hoặc để mắt quá gần thiết bị.
“Chúng em đã sử dụng kiến thức từ môn Công nghệ và Vật lý để thiết kế cảm biến hồng ngoại đo khoảng cách và tư thế ngồi. Khi học sinh ngồi không đúng tư thế hay mắt quá gần, đèn sẽ rung lên cảnh báo. Sản phẩm không chỉ giúp giảm nguy cơ cận thị mà còn thúc đẩy ý thức về tư thế học tập đúng”, em Phạm Anh Thư, học sinh lớp 11A1 chia sẻ.
Đặc biệt, nhóm học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đam San (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã sáng tạo nên hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng gió, nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt cho học sinh nội trú. Em Đinh Duy Nguyên, học sinh lớp 11A1 cho biết, vào mùa lạnh, các học sinh tại trường không có nước nóng để sử dụng và phải dùng nước lạnh để sinh hoạt, tắm rửa... Nước lạnh khiến nhiều bạn bị ốm. Nhận thấy điều đó, các em đã sáng chế dự án và kỳ vọng rằng, sản phẩm thành công có thể giúp ích cho nhiều người, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
“Với kiến thức từ các môn Vật Lý, Hóa học và Công nghệ, chúng em đã tính toán công suất tuabin, thiết kế mô hình và chế tạo hệ thống đun nước nóng. Em hy vọng, nếu thành công, sản phẩm được áp dụng rộng rãi, không chỉ học sinh nội trú mà cả các hộ dân vùng sâu, vùng xa cũng có thể được hưởng lợi,” em Đinh Duy Nguyên chia sẻ.
Giáo dục STEM và đổi mới chương trình học
Với sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ ngành Giáo dục, giáo dục STEM tại Đắk Lắk đang ngày càng được mở rộng. Không chỉ dừng lại ở cấp phổ thông, trung học, STEM đã được đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học, tạo nền tảng cho học sinh làm quen với tư duy khoa học và sáng tạo ngay từ nhỏ.
Theo cô Vũ Thị Thu Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), nhà trường triển khai giảng dạy STEM trong trường tiểu học từ khối lớp 1-5. Mỗi lớp học có một sản phẩm phù hợp với lứa tuổi. Những giờ học STEM giúp các em chủ động, sáng tạo hơn trong học tập. Các sản phẩm đơn giản nhưng mang ý nghĩa lớn, tạo niềm đam mê cho học sinh và thúc đẩy giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy.
Ông Huỳnh Hồng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk nhận định, giáo dục STEM là công cụ quan trọng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phương pháp này không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn phát triển các năng lực cần thiết để giải quyết các vấn đề thực tế.
“Các sản phẩm STEM là minh chứng cho sự đổi mới trong cách dạy và học. Học sinh không chỉ học để biết mà còn học để làm, để sáng tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng,” ông Hồng nhấn mạnh.
Thầy Hà Duy Trường, giáo viên môn Hóa học, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đam San nhận định, giáo dục STEM khiến học sinh rất hào hứng khi được tham gia. Điều này thúc đẩy những người thầy, cô giáo phải không ngừng học hỏi, tìm tòi kiến thức mới để hướng dẫn các em một cách tốt nhất.
Thời gian qua, tại tỉnh Đắk Lắk, ngành Giáo dục đã tổ chức các hoạt động như Ngày hội STEM, cuộc thi khoa học kỹ thuật và trưng bày sản phẩm sáng tạo..., qua đó tạo cho học sinh sân chơi vui vẻ, bổ ích gắn lý thuyết đã học trong sách vở với thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú sinh động.
Nhà giáo Ưu tú, Tiến sỹ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, giáo dục STEM mang ý nghĩa rất lớn đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là mô hình quan trọng và để thực hiện tốt theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học gắn kiến thức sách vở với thực tiễn. Tại Đắk Lắk, giáo dục STEM đang được đẩy mạnh trong các nhà trường, từ cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và cả tiểu học. Mỗi nhà trường, thầy cô và học sinh từ các cấp học, thành thị cho đến nông thôn đều thực hiện tinh thần STEM. Trong tương lai gần, giáo dục STEM sẽ trở thành một nội dung dạy học không thể thiếu trong các nhà trường.
Giáo dục STEM, với sự kết hợp giữa tri thức và thực tiễn, đã và đang tạo nên những thay đổi tích cực tại Đắk Lắk. Những sản phẩm sáng tạo từ bàn tay học sinh không chỉ thể hiện sự đổi mới trong giáo dục mà còn là minh chứng cho tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ trên hành trình kiến tạo tương lai.