Theo thống kê, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận gần 10.000 ca bệnh zona thần kinh. Riêng mỗi ngày có khoảng 20 - 30 bệnh nhân đến khám vì căn bệnh này. Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, zona thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay có xu hướng trẻ hóa, thậm chí xảy ra ở trẻ em. Đặc biệt, bệnh có thể gây đau thần kinh dữ dội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Zona thần kinh ở trẻ em do virus Varicella-zoster (VZV) gây ra, đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu. Trẻ sau khi khỏi thủy đậu, virus sẽ bị đẩy lùi nhưng vẫn tồn tại và sống âm thầm trong hạch thần kinh của cơ thể nhiều năm tháng, thậm chí đến hết đời, chỉ khi gặp yếu tố thuận lợi như trẻ từng bị mắc thuỷ đậu trước 1 tuổi, cơ thể suy yếu, hệ miễn dịch suy giảm, sang chấn tâm lý, thời tiết chuyển mùa hoặc được sinh ra bởi người mẹ mắc thủy đậu vào những tháng cuối thai kỳ có nguy cơ cao mắc zona thần kinh. Thống kê cho thấy, trẻ mắc thủy đậu sơ sinh gây tử vong cao đến 30% và tỷ lệ mắc zona trong 4 năm đầu đời là 15%.
Trẻ bị zona thần kinh thực chất không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể khiến trẻ trải qua các cơn đau rát rất khó chịu. Đau dây thần kinh sau zona là biến chứng phổ biến nhất của căn bệnh này. Đây là tình trạng đau đớn diễn ra trong một thời gian dài sau khi các bọng nước đã hết. Chuyên gia khuyến cáo chủ động tiêm vắc xin có thể làm giảm nguy cơ mắc zona. Phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng bệnh zona và giảm nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Theo các nghiên cứu của Trường đại học Rochester (một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ), zona thần kinh là bệnh không phổ biến ở trẻ nhưng rất nguy hiểm. Bệnh gây ra nhiều khó chịu, đau đớn cho trẻ do các ảnh hưởng lên da liễu trong quá trình phát bệnh. Nếu không có cách điều trị hay chẩn đoán chính xác, bệnh có thể gây ra nhiễm trùng, viêm phổi để lại sẹo lớn trên da, ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau.
![]() |
Trẻ bị zona là tình trạng nhiễm trùng da do virus Varicella zoster gây ra, bệnh cao điểm là vào mùa mưa khi thời tiết chuyển mùa. Các triệu chứng zona gây ra vô cùng đau đớn và khó chịu có thể gây nhiều biến chứng và làm giảm chất lượng sống của người bệnh. |
Thời gian qua, bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị zona thần kinh nặng phải nhập viện điều trị nội trú do điều trị sai cách như "đi khoán", đắp các lá cây dẫn đến tình trạng bội nhiễm nặng. Điển hình là ông M.V.L (70 tuổi, Lâm Đồng) bị Herpes zoster bội nhiễm sau khi “đi khoán” bằng phương pháp dân gian khiến da mặt loét, đóng mài không lành. Tương tự, ông T.V.S (70 tuổi, Long An) sau khi được “khoán” bằng nhang và mực Tàu, vùng da đầu xuất hiện mụn mủ, sưng đau và sốt cao, buộc phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng cho biết, bệnh zona còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, liệt dây thần kinh mặt hoặc tổn thương thính giác. Vì vậy, những người trên 50 tuổi, hoặc người từ 18 tuổi trở lên có hệ miễn dịch suy giảm (như bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS, ghép tạng hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) nên tiêm phòng vaccine ngừa Zona để giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng sau đó. Ngay cả người đã từng mắc bệnh cũng được khuyên tiêm vaccine vì có nguy cơ tái phát khoảng 5%.
Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động Phòng Tiêm chủng trực thuộc khoa Khám bệnh, cung cấp các loại vaccine phòng các bệnh da liễu phổ biến như zona, thủy đậu và HPV. Bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: “Việc triển khai phòng tiêm chủng là bước đi thiết thực nhằm phòng bệnh hơn chữa bệnh, hướng đến sự phát triển bền vững trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Theo bác sĩ Hoàng, zona là bệnh do virus varicella-zoster – virus gây thủy đậu gây ra. Sau khi khỏi thủy đậu, virus này không biến mất mà ẩn trong hạch thần kinh. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch, virus sẽ tái hoạt động, lan theo dây thần kinh ra da và gây phát ban. Điều trị zona không quá phức tạp nếu phát hiện sớm, chủ yếu dùng thuốc kháng virus.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng khuyến cáo, bệnh nhân cần tuyệt đối tránh các phương pháp dân gian không hợp vệ sinh như đắp lá, vì có thể gây nhiễm trùng da, để lại sẹo xấu. Chủ động tiêm phòng và điều trị đúng cách sẽ giúp hạn chế biến chứng và bảo vệ sức khỏe lâu dài.