Đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này được mở rộng. Cụ thể, trẻ đủ 6 tháng tuổi, trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, trẻ từ 11 - 15 tuổi (gồm cả trẻ vãng lai tại xã, phường, thị trấn nguy cơ cao, rất cao chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi, trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi, có nguyện vọng tiêm vaccine chứa thành phần sởi).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện, 7.300 liều vaccine sởi đã được phân bổ đến các trung tâm y tế tuyến huyện để các địa phương chủ động triển khai. Nhằm bảo đảm mục tiêu đề ra, ngành Y tế Bình Thuận chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị cho điểm tiêm chủng gồm vaccine, bơm kim tiêm, hộp an toàn...; tổ chức tiêm chủng và theo dõi, xử trí trường hợp phản ứng sau tiêm chủng theo quy định. Sở phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong chỉ đạo, điều tra đối tượng tại các trường học; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm bổ sung vaccine sởi.

Được biết, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp, có thể gây biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong nếu không được phòng ngừa kịp thời. Tiêm vaccine là biện pháp an toàn, hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Trước đó, từ ngày 17 - 31/3, Bình Thuận đã thực hiện chiến dịch tiêm vaccine sởi tại 341 điểm tiêm ở trạm y tế xã, phường, thị trấn và trường học. Sau 2 đợt tiêm, đã có 10.330 trẻ trong độ tuổi 1 - 5 tuổi được tiêm vaccine (đạt 96,5%) và 8.362 trẻ trong độ tuổi 6 - 10 tuổi được tiêm vaccine (đạt 96,7%). Các điểm tiêm không ghi nhận trường hợp chống chỉ định trong đợt tiêm chủng, không ghi nhận trường hợp nào phản ứng sau tiêm và sự cố bất lợi sau tiêm theo quy định.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, Bình Thuận ghi nhận khoảng 1.600 ca nghi mắc sởi. Chiến dịch tiêm chủng góp phần làm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng, chống bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra.

Hiện nay, độ tuổi mắc bệnh bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời điểm kết thúc chiến dịch tiêm. Tỷ lệ mắc bệnh giảm ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi nhưng lại gia tăng ở nhóm trên 10 tuổi. Vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo, phụ huynh chủ động đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.

Thanh Huyền (TTXVN)