Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh thường khởi phát đột ngột và thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Ở giai đoạn sốt, là giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường xuất hiện triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ nhỏ thường biểu hiện bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn hay kêu đau đầu, chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát có thể thấy những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Sau giai đoạn sốt, trẻ mắc bệnh tiến vào giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết (thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh). Giai đoạn này, biểu hiện sốt có thể thuyên giảm, bệnh nhi bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: Vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp… Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…
Trong khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần chú ý đưa trẻ tới cơ sở y tế để xử trí kịp thời nếu trẻ có một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng như: Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục ở vùng gan; trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ; xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh; chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ); tiểu ít, đi ngoài phân đen.
Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 2 - 3 ngày là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ tránh để trẻ bị muỗi đốt; cho trẻ ngủ màn, kể cả ban ngày; không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, ẩm ướt; nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, dùng kem, dầu chống muỗi. Các gia đình cũng chú ý diệt loăng quăng, bọ gậy trong nhà; đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thu dọn các đồ vật có đọng nước quanh nhà như vỏ đồ hộp, chai lọ… để tránh phát sinh muỗi vằn truyền bệnh. Đồng thời, các gia đình cần dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo nhiều quần áo tránh làm chỗ cho muỗi ẩn nấp.