“Chi cục cũng tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như hình thành Hệ thống Trung tâm điều hành cảnh báo phòng cháy, chữa cháy rừng từ xa (khu vực Tây Trường Sơn); trang bị thiết bị bay flycam cho lực lượng Kiểm lâm; phối hợp với Viettel tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm lưu trữ, báo cáo quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng...”, Chi cục trưởng Nguyễn Văn Nam cho biết thêm.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản số 245/UBND-NNMT về việc chỉ đạo tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan cần xác định công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cốt lõi, thường xuyên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, duy trì chế độ cảnh báo, dự báo kịp thời trên các kênh liên lạc, phương tiện thông tin đại chúng về thông tin cảnh báo cháy rừng đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương và chủ rừng biết để chủ động phòng ngừa và triển khai các dự án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong giám sát, quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý tại các địa phương chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư chữa cháy rừng, sẵn sàng phối hợp ứng cứu các tình huống khẩn cấp khi có cháy rừng xảy ra; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND các xã, phường, đặc khu có nhiệm vụ chỉ đạo phòng chuyên môn, các cơ quan chức năng tại địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, truy quét, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng tại các khu vực rừng dễ bị xâm hại, đặc biệt là các khu rừng tự nhiên… Tiếp tục tổ chức thực hiện chính sách giao rừng cho tổ chức, gia đình, hộ cá nhân và cộng đồng dân cư đối với các diện tích do UBND cấp xã quản lý để phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Đồng thời, UBND các xã, phường, đặc khu cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí bảo đảm phục vụ tốt phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh phát hiện 15 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Khối lượng tang vật thu giữ hơn 18.000 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại; diện tích rừng bị thiệt hại gần 1 ha. Lực lượng chức năng đã xử lý 16 vụ; trong đó có 14 vụ xử lý hành chính, xử lý khác 1 vụ (vụ cháy rừng đã hết thời hiệu xử lý, quá trình xác minh không xác định được đối tượng vi phạm), khởi tố vụ án 1 vụ…
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng, gồm: vụ cháy rừng trồng chưa thành rừng tại Khoảng 01, Tiểu khu 273, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum (nay là xã Tu Mơ Rông, tỉnh Quảng Ngãi) thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên InnovGreen với tổng diện tích hơn 16 ha, mức độ thiệt hại 100% (không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng nhưng thiệt hại về mặt tài sản là cây trồng); vụ cháy lướt mặt đất khu vực trồng cây bời lời, cây mì của người dân tại khoảnh 7, 9 Tiểu khu 568 thuộc địa bàn xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (nay là xã Đăk Rơ Wa, tỉnh Quảng Ngãi) với diện tích khoảng 1,6 ha…