Từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã triển khai mô hình điểm bữa ăn học đường; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả 3 đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.
Tới nay, mô hình bữa ăn học đường đã triển khai trên 15 tỉnh, thành phố và tiếp tục triển khai trong các giai đoạn theo Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia. Tuy nhiên, đây mới là chương trình mang tính ngắn hạn và chưa có cơ sở pháp lý quan trọng.
Vấn đề phát triển thể lực, tầm vóc và dinh dưỡng học đường luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Song song với việc triển khai Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, Bộ GD-ĐT cũng đang là đầu mối và tham mưu Chính phủ triển khai 2 Chương trình, Đề án.
Thứ nhất là Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1660/QĐ-TTg ngày 2.10.2021. Đây là một chương trình tổng thể về sức khỏe của trẻ em, học sinh; trong đó vấn đề dinh dưỡng học đường là 1 trong 5 nội dung chính của chương trình và cũng đang được Bộ GD-ĐT quan tâm và chỉ đạo triển khai mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Thứ hai là Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025" tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8.1.2019 của của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, đã có sự quan tâm của truyền thông và các tập đoàn, các doanh nghiệp thực phẩm đến công tác an toàn thực phẩm, dinh dưỡng học đường.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với ngành giáo dục trong triển khai dinh dưỡng học đường, trước hết nằm ở công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành ở một số địa phương còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết. Công tác truyền thông về đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi. Việc xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.
Đặc biệt, nguồn nhân lực tổ chức bữa ăn bán trú trong trường học, đặc biệt là những người trực tiếp làm về công tác dinh dưỡng học đường, đội ngũ nhân viên y tế và chăm sóc dinh dưỡng cho các cháu còn thiếu về số lượng và chất lượng (làm theo hợp đồng thời vụ, chưa được tập huấn, đào tạo, năng lực tổ chức bữa ăn học đường còn hạn chế). Việc thiếu nguồn nhân lực sẽ dẫn đến vấn đề xây dựng những bữa ăn chuẩn, đảm bảo dinh dưỡng và triển khai các hoạt động vận động thể lực rất khó khăn; từ đó dẫn đến những khó khăn chung trong công tác dinh dưỡng học đường.
Vì sao việc triển khai bữa ăn học đường tính thực thi chưa cao?
- Liên quan đến những vấn đề còn tồn tại trong thực thi chính sách dinh dưỡng học đường tại Việt Nam hiện nay, một số ý kiến nhận định rằng việc triển khai bữa ăn học đường mới chỉ dừng ở bước hướng dẫn, tính thực thi chưa cao. Ông nghĩ vì sao lại có nhận định như vậy?
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề: Tôi cho rằng đúng như nhận định của xã hội về vấn đề này. Thực tế, trước những khó khăn, vướng mắc về dinh dưỡng học đường, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các chuyên gia về dinh dưỡng xây dựng mô hình điểm về bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Các chuyên gia đánh giá đây là mô hình thử nghiệm về các điều kiện cần và đủ để có thể triển khai được bữa ăn học đường một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương.
Dựa trên các nghiên cứu, đánh giá và khuyến nghị khi triển khai thử nghiệm mô hình này, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-BGDĐT ngày 28.9.2021 về việc phê duyệt Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh sinh viên Việt Nam để các địa phương có thể ứng dụng phù hợp tùy theo điều kiện của từng địa phương.
Bên cạnh đó là Quyết định số 2195/QĐ-BGDĐT ngày 10.8.2022 phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học; Quyết định số 4280/QĐ-BGDĐT ngày 14.12.2022 phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh THCS.
Trong đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai tốt công tác tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, bảo đảm các quy trình về an toàn thực phẩm trong quá trình tổ chức bữa ăn cho học sinh. Đồng thời, hướng dẫn rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học.
Hiện nay, mô hình bữa ăn học đường đã triển khai trên 15 tỉnh, thành phố và tiếp tục triển khai trong các giai đoạn theo Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia. Tuy nhiên, thực tế đây mới là bước đầu trong quá trình triển khai. Mô hình điểm về bữa ăn học đường mới là một chương trình mang tính ngắn hạn và chưa có cơ sở pháp lý quan trọng. Do đó, vấn đề điều hành, chỉ đạo như thế nào vẫn còn kẽ hở.
Vấn đề dinh dưỡng học đường mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa có các quy định mang tính quy phạm pháp luật, nên việc tổ chức, quản lý, giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, những hướng dẫn của Bộ GD-ĐT hay của các ngành chỉ mang tính định hướng ban đầu, sẽ rất khó khăn trong vấn đề triển khai nếu chúng ta chưa có hành lang pháp lý, một văn bản quy phạm pháp luật chuẩn.
- Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn về triển khai bữa ăn học đường, khuyến khích các địa phương thực hiện nhưng như ông đã chia sẻ, các hướng dẫn này chưa đủ sức nặng. Ông có kiến nghị gì để việc luật hóa dinh dưỡng học đường đạt hiệu quả cao nhất?
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề: Như tôi đã chia sẻ, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được Đảng và Chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm; nhưng hiện mới đang ở các Chương trình, Đề án hay Chiến lược quốc gia và theo giai đoạn, không được lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể việc tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường, công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế.
Vấn đề dinh dưỡng và bữa ăn học đường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh. Bộ GD-ĐT là đơn vị thụ hưởng, chúng tôi rất mong muốn có một hành lang pháp lý chặt chẽ về vấn đề này để có thể quản lý trên diện rộng, với 24 triệu trẻ em, học sinh trên toàn quốc. Hiện nay, ngoài việc bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước từ các văn bản quy phạm pháp luật đã có, với vai trò của mình, Bộ GD-ĐT cùng với Bộ Y tế cũng đang xây dựng để sớm ban hành tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường.
Ngành giáo dục đang triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thời gian học của trẻ trên lớp sẽ tăng lên gấp đôi. Do đó, các vấn đề dinh dưỡng và bữa ăn học đường sẽ ngày càng mang tính chất quan trọng.
Bộ GD-ĐT đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia, trong đó có vấn đề tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cấp dưỡng tại các nhà trường. Đặc biệt, chúng tôi quy định rõ trách nhiệm của từng hiệu trưởng, người chủ cơ sở quản lý học sinh, chính quyền địa phương; phân cấp, phân quyền rõ ràng. Ngành giáo dục cùng các bộ, ban ngành cũng sẽ tập trung giám sát việc triển khai vấn đề này.
Hiện nay, Bộ Y tế đang là cơ quan chủ trì tham mưu, xây dựng Luật Phòng bệnh. Chúng tôi đề xuất Luật Phòng bệnh sẽ đưa các các chương, mục, khoản quy định rõ về dinh dưỡng học đường.
Đặc biệt, tiến tới xa hơn nữa, cần xây dựng Luật dinh dưỡng học đường. Tại nhiều nước khác trên thế giới, dinh dưỡng học đường đã được đưa vào Luật riêng và triển khai rất hiệu quả. Như vậy mới có cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện và tuân thủ các quy định về dinh dưỡng học đường.
Cần sự hỗ trợ, đồng cảm của chính quyền địa phương
- Qua những mô hình điểm về dinh dưỡng học đường đã triển khai, theo ông, làm cách nào để từ những mô hình điểm này có thể nhân rộng ra nhiều hơn những ngôi trường trên khắp Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề: Theo Quyết định số 3000/QĐ-BGDĐT, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam để các địa phương có thể ứng dụng phù hợp tùy theo điều kiện của từng địa phương.
Mô hình đã được thử nghiệm và được Hội đồng thẩm định đánh giá thành công về các điều kiện cần và đủ để có thể triển khai bữa ăn học đường một cách khoa học, hợp lý, phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương: từ việc nghiên cứu, khảo sát đánh giá về tình trạng dinh dưỡng, điều kiện cơ sở vật chất, cách thức tổ chức bữa ăn bán trú, mức thu, khẩu phần thực đơn, kiến thức thực hành dinh dưỡng của nhân viên, thầy cô giáo và học sinh,... Từ đó, đề xuất các giải pháp về bữa ăn học đường và giáo dục dinh dưỡng phù hợp cho từng địa phương, vùng miền.
Muốn nhân rộng mô hình, cần có sự hỗ trợ, đồng cảm, đặc biệt là sự chấp hành về chính sách pháp luật của chính quyền địa phương trong vấn đề đồng hành cùng ngành giáo dục. Hiện nay, chúng ta đã thấy những tín hiệu rất tích cực là sự đồng cảm, chia sẻ, nhìn nhận, nhận thức của các cấp lãnh đạo đối với chương trình dinh dưỡng học đường quốc gia. Bước đầu đã có sự chuẩn bị biên chế và nền tảng nhân lực quan trọng nhất là đội ngũ cấp dưỡng trong nhà trường ở cấp mầm non và tiểu học đã được nâng lên về số lượng.
- Theo ông, để các doanh nghiệp thực phẩm hay là nói rộng là những nguồn lực xã hội có thể tham gia và phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc cải thiện dinh dưỡng học đường, chúng ta cần những giải pháp nào?
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề: Nguồn lực xã hội là vấn đề không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước, hay chỉ cần sự quyết tâm của một số bộ, ngành mà cần sự đồng hành của toàn xã hội. Trong bối cảnh nguồn lực kinh phí có hạn như hiện nay, chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn lực hợp pháp để thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, chương trình, dự án và chiến lược quốc gia.
Bộ GD-ĐT đã làm việc, kết nối hợp tác với nhiều các đơn vị để thực hiện hỗ trợ cho các địa phương, các trường học về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị, góp phần triển khai thành công các mục tiêu về đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, chăm sóc và bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh.
Sau 2 năm theo dõi mô hình điểm triển khai bữa ăn học đường ở các cơ sở giáo dục, chúng tôi đánh giá việc kêu gọi xã hội hóa và sự tham gia của doanh nghiệp đối với công tác dinh dưỡng học đường rất quan trọng, là một cấu phần trong "3 chân kiềng" để chúng ta đi đến đích của chiến lược dinh dưỡng quốc gia.
Rõ ràng, chất lượng của bữa ăn ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tầm vóc, thể lực, trí lực của trẻ, cũng như kết quả học tập. Do vậy hiện nay, chúng tôi rất quan tâm tới sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về thực phẩm vào việc cải thiện dinh dưỡng học đường.
Ở góc độ của mình, chúng tôi đang tập trung vào một số việc. Thứ nhất, đào tạo, bồi dưỡng người phụ trách chuyên môn chính trong bếp ăn của các trường để họ nắm được những kiến thức, quy định theo chuyên ngành. Từ đó, có cơ sở, có “bộ lọc” để công nhận hiệu quả của các doanh nghiệp khi đưa thực phẩm vào. Thứ hai, chúng tôi quan tâm tới việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cấp dưỡng tại các nhà trường. Đội ngũ này phải được tập huấn và được chuẩn hóa. Đây cũng là một “bộ lọc” để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Thứ ba là sự gắn kết giữa nhà trường với phụ huynh, gia đình. Từ sự công nhận, gắn kết đó cũng sẽ tạo điều kiện để kêu gọi doanh nghiệp.
Ở góc độ của nhà giáo, chúng tôi đang triển khai bước như vậy và chúng tôi rất trân trọng những đóng góp cũng như sự tâm huyết của các doanh nghiệp trong nước.
- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thanh Đề đã chia sẻ!