Sự kiện & Bình luận

Tạp chí Sức khỏe trẻ em: cầu nối giúp trẻ em khuyết tật sống hoà nhập với cộng đồng

(SKTE) Nhân dịp ra mắt Bộ mới Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBMTW Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam một số vấn đề mang tính định hướng cho hoạt động tuyên truyền, truyền thông chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Thưa ông Ngô Sách Thực, xin ông cho biết đánh giá chung về hoạt động của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống sau 21 năm xây dựng và phát triển?

Ông Ngô Sách Thực: Tạp chí Tình thương và Cuộc sống là cơ quan ngôn luận của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, Tạp chí đã đồng hành cùng với các cơ quan của Hội, các tỉnh, thành Hội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội là tổ chức xã hội, từ thiện có tính đặc thù, nơi tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tổ chức, công dân Việt Nam có tấm lòng và kiến thức chăm sóc trẻ em khuyết tật, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, nhằm trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em khuyết tật, giúp các em hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân sống có ý nghĩa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Với mục tiêu cao nhất của Hội là giúp đỡ trẻ em khuyết tật sống hòa nhập với cộng đồng. Tạp chí đã đăng tải thông tin một cách kịp thời về công tác Hội, công tác xây dựng Hội, tuyên truyền của Hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trẻ em khuyết tật; vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, các mạnh thường quân chung tay giúp trẻ khuyết tật vươn lên; động viên cán bộ, hội viên thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, kịp thời cổ vũ các tấm gương tiêu biểu, nhất là trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Tình thương và Cuộc sống đã đạt được nhiều thành tựu, đã có nhiều hoạt động thiết thực, thực hiện có hiệu quả các chuỗi hoạt động, thi đua chào mừng kỷ niệm sự kiện lớn của đất nước, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tạp chí đã tuyên truyền, vận động có hiệu quả hoạt động của Hội qua 9 lần tổ chức Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em”. Qua đó, đã lan tỏa yêu thương, việc tốt trong cộng đồng, đón nhận sự chung tay giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội, giúp các cơ sở, các cháu và gia đình các cháu khuyết tật vượt khó vươn lên. Gần đây nhất, chương trình Thắp sáng niềm tin cho em lần thứ 9 năm 2024 đã được Trung ương Hội và các cấp Hội như Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Hồ Chí Minh...cùng Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, các đơn vị trực thuộc tổ chức tại Cần Thơ đã mang đến niềm vui cho trên 1.330 trẻ em, với số tiền trên 2 tỷ đồng và các suất quà tình nghĩa, sẻ chia, giúp đỡ các trẻ khuyết tật chung vui tết Trung thu.

Trong năm 2024 này, Tạp chí cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024. Tạp chí đã đăng tải thông tin kịp thời các chuỗi sự kiện của Hội như trong 3 tháng 6,7 và 8 Hội đã phối hợp với Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Chương trình “Tiếp sức trẻ khuyết tật vùng cao tới trường”, đã trao cho trên 1000 trẻ em khuyết tật tại 10 tỉnh Điện Biên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và 5 tỉnh biên giới vùng cao phía bắc với số tiền là trên 2 tỷ đồng, mỗi suất học bổng là 2 triệu đồng để các cháu có thêm điều kiện đi học trong năm học mới.

Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, tại huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, Tạp chí Tình thương & Cuộc sống đã phối hợp với Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Huyện ủy, UBND, Hội LHPN huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội tổ chức chương trình “Trao gửi yêu thương - Trung thu ấm tình” cho 300 em nhỏ là trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Đây là một chương trình rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành, cũng như của toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ, động viên các trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, có được Tết Trung thu ấm áp, yêu thương.

Có thể nói, trong hơn 20 năm qua, Tạp chí Tình thương và Cuộc sống đã hoàn thành xuất sắc việc đồng hành với các công tác Hội, với các nhà hảo tâm, dành mọi tận tâm chăm sóc và yêu thương cho hàng chục vạn trẻ em thiệt thòi cả nước.

PV: Thưa ông, Tạp chí Sức khỏe trẻ em cần làm gì để phát huy truyền thống 21 năm qua, nhất là đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật trong thời gian tới?

Ông Ngô Sách Thực: Có thể nói, hơn 20 năm qua, Tạp chí Tình thương và Cuộc sống đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Ở góc độ báo chí - truyền thông, việc đổi tên từ Tạp chí Tình thương và cuộc sống hành Tạp chí Sức khỏe trẻ em là một tất yếu, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam và công tác trẻ em khuyết tật trong giai đoàn hiện nay. Khuyết tật là điều không ai mong muốn và có nhiều nguyên nhân, ngoài nhiệm vụ cứu giúp, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật thì vấn đề nổi lên là an toàn cho trẻ và phòng tật cho trẻ là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, liên quan đến tất cả trẻ em cần sự chung tay của Hội và toàn xã hội. Hai ấn phẩm, nhất là Tạp chí Sức khoẻ trẻ em in ra đời là một yêu cầu cần thiết trong nền báo chí cách mạng và xu hướng báo chí, truyền thông đa phương tiện hiện đại của khu vực và thế giới. Đồng thời, sự ra đời của Tạp chí Sức khỏe trẻ em là phù hợp với xu hướng mở rộng, phát triển của Tạp chí cũng như định hướng hoạt động hiện nay của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Trên nền móng, thành quả đã có từ Tạp chí Tình thương và Cuộc sống, Tạp chí Sức khỏe trẻ em kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, Tạp chí Sức khỏe trẻ em cần đổi mới toàn diện để trở thành kênh thông tin thiết yếu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Thực hiện đúng các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về quản lý báo chí và Điều lệ Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.

Tạp chí Sức khỏe trẻ em là cơ quan của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, một tổ chức xã hội của những người có tấm lòng từ thiện nhân đạo, tự nguyện đóng góp công, của, sức lực, trí tuệ cho hoạt động của Hội, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội…vậy nên, Sức khỏe trẻ em phải là kênh thông tin chính thống, quan trọng, có nhiều đóng góp vào tuyên truyền, hỗ trợ…nhằm mục đích phòng tật cho trẻ em; chăm sóc, chữa tật, phục hồi chức năng cho trẻ em bị khiếm khuyết; hỗ trợ giúp trẻ em khuyết tật thoát khỏi khổ đau và bất hạnh, được bảo vệ và chăm sóc theo pháp luật của Nhà nước Việt Nam và Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc.

PV: Ông có thể nêu rõ những định hướng lớn trong công tác truyền thông trên hai ấn phẩm tạp chí in và tạp chí điện tử Sức khỏe trẻ em trong thời gian tới?

Ông Ngô Sách Thực: Như đã nói ở trên, hoạt động của Hội rất đặc thù, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Cán bộ, hội viên là những người tâm huyết, có kiến thức, kinh nghiệm, khả năng giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các tổ chức cơ sở hội đang hằng ngày trực tiếp chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy ngôn ngữ, dạy nghề cho hằng vạn trẻ em khuyết tật trong cả nước. Bản chất nhân đạo, vì con người không thay đổi, nhưng không dừng lại ở tình thương, tặng quà mà các hoạt động của Hội ngày càng phải chuyên nghiệp của một tổ chức xã hội với 4 chức năng (phòng ngừa, can thiệp, phục hồi, phát triển) và 3 nhiệm vụ: (1) Nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng; (2) Nối kết con người với hệ thống nguồn lực, dịch vụ và những cơ hội trong xã hội; (3) Thúc đẩy sự hoạt động có hiệu quả và tính nhân văn của các hệ thống cung cấp nguồn lực và dịch vụ xã hội. Hoạt động của Hội hướng về cơ sở, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần, kiến thức phòng, chữa, phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, để các em là trung tâm, là chủ thể của sự phát triển, không bỏ lại ai phía sau, góp phần quan trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo tôi, hướng chủ yếu của Tạp chí Sức khỏe trẻ em trong thời gian tới cần tập trung là:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, về người khuyết tật, công tác trẻ em và người khuyết tật, các chương trình của Chính phủ, của các cấp, của Hội về công tác trẻ em khuyết tật. Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong nhân dân, phòng tránh tật nguyền cho trẻ em. Tăng cường tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội xã hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; cổ vũ gương người tốt, việc tốt.

Hai là, tuyên truyền, vận động tập hợp, tiếp nhận sự giúp đỡ, đóng góp về vật chất và tinh thần của các cá nhân và tập thể, các tổ chức xã hội, từ thiện, nhân đạo trong và ngoài nước để thực hiện tốt các hoạt động tổ chức khám chữa bệnh, chữa tật, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm miễn phí cho trẻ em tàn tật, tổ chức các hoạt động kinh tế, dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em khuyết tật có thể lao động tự nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình, xã hội, sống hòa nhập bình đẳng với cộng đồng.

Ba là, phối hợp cùng các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, đoàn thể, các tổ chức từ thiện khác tích cực phấn đấu cho quyền của trẻ em được thực hiện, đấu tranh chống mọi hành động thô bạo, ngược đãi, xâm phạm nhân phẩm và quyền sống của trẻ em.

Bốn là, tham gia tuyên truyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội và Hội viên, bảo vệ nhân phẩm danh dự của Hội, Hội viên. Đẩy mạnh phát triển tổ chức cơ sở hội và hội viên, xây dựng Hội vững mạnh.

Năm là, tạp chí nên có thêm ấn phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác như: Tiếng Anh, Tiếng Pháp…và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức nhân đạo, từ thiện và các tổ chức, cá nhân khác trong khu vực và trên thế giới theo quy định của pháp luật. Tạp chí Sức khỏe trẻ em cũng cần chủ động phát triển kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng các yêu cầu mới của đời sống báo chí, thực hiện thành công chuyển đổi số, đáp ứng công tác tuyên truyền của các cấp Hội, của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Sáu là, Tạp chí chủ động tham gia vào hoạt động hoàn thiện thể chế, đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật, tư vấn về các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Hội theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân. Nhất là việc tiếp cận các sách, chất lượng các dịch vụ, những rào cản và bất cập với trẻ em và người khuyết tật, thực hiện công khai minh bạch, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuối cùng, phát huy truyền thống hơn 20 năm xây dựng, phát triển, tôi đề nghị Tạp chí luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nâng cao tính chuyên nghiệp để tập hợp, kết nối ngày càng rộng rãi các tổ chức, cá nhân có tấm lòng, kiến thức và điều kiện làm tốt công tác trẻ em khuyết tật, vận động nguồn lực để cùng Nhà nước chăm lo cải thiện đời sống cho trẻ em khuyết tật, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn xã hội.

Chúc cho tập thể Tạp chí Sức khỏe trẻ em ngày càng đoàn kết, vững mạnh, trở thành Kênh thông tin chính thống, hàng đầu cả nước trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em khuyết tật.

PV: Xin chúc ông sức khỏe và chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.