Nguy cơ bệnh lý tuyến giáp đa phần chỉ gặp ở người lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh lý tuyến giáp không loại trừ ai, kể cả các em nhỏ. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm và nhận biết các dấu hiệu bệnh tuyến giáp ở trẻ em để điều trị kịp thời cho trẻ.
Bệnh tuyến giáp ở trẻ em là gì?
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ (nằm trước khí quản), có chức năng tiết, dự trữ và giải phóng hai hormone: T4 (Thyroxine) và T3 (Tri-iodo-thyronine). Tuyến giáp giữ chức năng điều hành việc trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể luôn ổn định, không quá nhanh hay quá chậm. Điều khiển tuyến giáp chính là tuyến yên (một tuyến nằm trong não bộ). Tuyến yên sản sinh ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH), hormone này sẽ thông báo cho tuyến giáp để tiết hormone khi cần.
Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết có vai trò quan trọng nhất đối với cơ thể. Do đó, các bệnh tuyến giáp gây rối loạn chức năng sản xuất hormone sẽ kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: bệnh về tim mạch, loãng xương, sức khỏe tinh thần giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản,…
Bệnh tuyến giáp ở trẻ em là các bệnh về các rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc bất thường về cấu trúc, hình thái tuyến giáp; có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ.
Ảnh minh hoạ.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tuyến giáp ở trẻ em
1. Bệnh cường giáp ở trẻ em
Các dấu hiệu phổ biến của bệnh cường giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm:
- Kém tập trung, lo lắng, bồn chồn, cáu gắt.
- Sụt cân, tiêu chảy.
- Nhịp tim nhanh.
- Tăng thân nhiệt, cảm giác nóng.
- Run tay, yếu cơ.
- Kinh nguyệt không đều.
- Tuyến giáp phì đại.
2. Bệnh suy tuyến giáp ở trẻ em
Các dấu hiệu phổ biến của bệnh suy giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm:
- Chứng “sương mù não” gây mệt mỏi, khó tập trung, giảm trí nhớ.
- Thường cảm thấy lạnh.
- Nặng mặt, khàn tiếng.
- Táo bón.
- Tốc độ tăng trưởng chậm, lâu biết lẫy, bò; dậy thì muộn.
- Trầm cảm.
- Da và tóc khô, dễ gãy rụng.
- Kinh nguyệt không đều.
- Tăng cân.
3. Bệnh ung thư tuyến giáp ở trẻ em
Ung thư tuyến giáp là tình trạng tế bào nhu mô tuyến giáp phát triển bất thường, tạo thành khối u ác tính. Trẻ có thể có các triệu chứng như: sờ thấy khối vùng cổ, nổi hạch, khàn giọng, khó thở… Với trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy, ngoài các triệu chứng trên, trẻ có thể bị phì đại tại môi, lưỡi, mí mắt, mắt khô, táo bón… Ung thư tuyến giáp ở trẻ có nguy cơ xâm lấn hoặc di căn hạch cao hơn so với người lớn.
Tuy là tình trạng ác tính nhưng ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt, tỉ lệ điều trị thành công rất cao. Do đó, phụ huynh nên chú ý và kịp thời đưa trẻ đến khám chuyên khoa Nội tiết nếu nhận thấy bất thường về sức khỏe.
Phụ huynh nên cảnh giác với các u, hạch vùng cổ của trẻ vì có thể là dấu hiệu ung thư.
4.Bệnh bướu cổ ở trẻ em
Các dấu hiệu bướu cổ ở trẻ rất đa dạng, tùy thuộc vào kích thước bướu, loại bướu to lan tỏa hay nhân giáp. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Biểu hiện suy giáp: mệt mỏi, cảm thấy lạnh, trẻ chậm phát triển, da khô…
- Biểu hiện cường giáp: tim đập nhanh, hay đổ mồ hôi, sụt cân bất thường, run tay…
- Mắt lồi.
- Khàn giọng.
- Đau ở vùng cổ họng.
- Nuốt đau, khó dẫn đến chán ăn.
- Khó thở, nhất là ở tư thế nằm.
- Ho nhiều.
Các bệnh tuyến giáp tuy ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe nhưng thường có thể kiểm soát hiệu quả bằng thuốc hoặc phẫu thuật, giúp người bệnh, nhất là trẻ em, có được cuộc sống bình thường. Trẻ bị suy giáp sẽ được chỉ định uống thuốc thay thế hormone Levothyroxine và gần như phải duy trì suốt đời.
Trẻ bị cường giáp sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng giáp, iod phóng xạ hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào tình trạng và đáp ứng của trẻ. Đối với trẻ bị ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật, điều trị bằng iod phóng xạ tùy theo tình trạng bệnh cụ thể.
Để phòng ngừa bệnh tuyến giáp ở trẻ em, phụ huynh nên xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp. Đặc biệt, cần cung cấp đủ 150mcg iod mỗi ngày cho trẻ thông qua các loại thực phẩm như: cá biển, hải sản, khoai tây, muối iod… Nếu trẻ được chẩn đoán chức năng tuyến giáp kém, nên bổ sung vitamin D, kẽm và selen.
Bất cứ khi nào nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc nghi ngờ mắc các bệnh tuyến giáp, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa Nội tiết để khám, xét nghiệm và tầm soát nguy cơ mắc bệnh. Phát hiện dấu hiệu bệnh tuyến giáp ở trẻ em và điều trị sớm có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phục hồi và tăng trưởng của trẻ về sau. Trong quá trình khám bệnh, ba mẹ cần mô tả đầy đủ triệu chứng của trẻ, đồng thời cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh tuyến giáp của gia đình để thuận lợi cho chẩn đoán.