Vấn đề quan tâm

Chung tay hành động, chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi đại biểu Hội nghị toàn quốc biểu dương người khuyết tật vượt khó tháng 4/2024. Ảnh: Anh Phương

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi đại biểu Hội nghị toàn quốc biểu dương người khuyết tật vượt khó tháng 4/2024. Ảnh: Anh Phương

Những con số biết nói trong nửa đầu năm 2024

Các cơ sở của Hội đang tích cực thực hiện công tác khám bệnh, phát hiện sớm và sàng lọc để điều trị, phục hồi chức năng cho trẻ em thông qua các phương pháp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và nhiều kỹ thuật khác.

Vừa qua, đã có 18.957 lượt trẻ được khám và nhận thuốc miễn phí; 335 trẻ được điều trị bằng châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và vật lý trị liệu; 27 trẻ đã trải qua phẫu thuật chỉnh hình và sửa tật vận động; và 655 trẻ được phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

Hội cũng đã tổ chức thành công 412 lớp học chữ tại các Trung tâm và Nhà cứu trợ, thu hút 1.076 học sinh tham gia. Mở 42 lớp dạy nghề cho thanh thiếu niên khuyết tật với tổng số 438 học viên. Đặc biệt, Trung tâm Trợ giúp và can thiệp sớm trẻ khuyết tật Hương Giang (Yên Bái) đã khai giảng lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ, bao gồm làm hoa giấy nhún và lọ hoa nghệ thuật từ quả thông, dành cho 30 trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Yên Bái. Khóa học kéo dài 3 tháng, từ tháng 12/2023 - 02/2024, với kinh phí đào tạo là 150 triệu đồng. Kết thúc khóa học, 21 em đã tạo ra những sản phẩm hoa và lọ hoa nghệ thuật độc đáo, giúp các em khám phá bản thân và rèn luyện kỹ năng khéo léo.

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã phối hợp cùng Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam trao tặng 03 bộ máy tính và 01 máy chạy bộ cho Trung tâm Sao Mai. Dự án này nhằm xây dựng phòng dạy nghề tin học và bổ sung trang thiết bị cho phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ, với tổng kinh phí tài trợ lên tới 33.178.000 đồng.

 Hưởng ứng Tết Vì người nghèo, Hội đã tổ chức chương trình “Tết sẻ chia - Xuân yêu thương” và thu được tổng số tiền lên đến 2.352.229.980 đồng. Trong đó, có 943.270.000 đồng tiền mặt và 1.408.959.980 đồng là giá trị quà tặng. Số quà và tiền này đã được Hội phối hợp với các nhà tài trợ để thực hiện chương trình, trong đó trực tiếp thăm hỏi và trao tặng 7.102 suất quà cho trẻ em khuyết tật cùng những người có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Phú Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định, Yên Bái… Mỗi suất quà có giá trị từ 200.000 đồng đến 1.850.000 đồng, bao gồm cả tiền mặt và hiện vật nhằm động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất, giúp mọi người có một cái Tết vui vẻ, ấm cúng và tiết kiệm.

Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã phối hợp với Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam để trao tặng 71 triệu đồng cùng quà cho 71 trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ hòa nhập Hy Vọng, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024, Hội đã tổ chức chương trình “Đồng hành cùng trẻ em nghèo, khuyết tật” dưới sự chủ trì của Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam. Chương trình đã vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia ủng hộ cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia trong năm 2023, thu được 120 triệu đồng và đã trực tiếp trao tặng cho 240 trẻ khuyết tật cùng gia đình tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng.

 Nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, một chương trình trao quà đã được tổ chức cho 110 trẻ em khuyết tật từ 11 trường thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật TP.Hồ Chí Minh. Mỗi suất quà bao gồm 500.000 đồng tiền mặt và một túi quà trị giá 200.000 đồng, tổng cộng lên đến 77 triệu đồng.

Thực hiện các hoạt động theo lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về an sinh xã hội, Hội đã thăm và tặng quà cho 12.019 trẻ khuyết tật đang được chăm sóc, điều trị tại nhiều cơ sở xã hội và 172 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, và Tháng hành động vì trẻ em, với giá trị quà tặng từ 100.000 - 1.850.000 đồng.

Ngoài ra, các cơ sở của Hội còn trao tặng 03 máy tính và 26 chiếc xe lăn cho trẻ em khuyết tật vận động. Họ cũng cấp 34 suất học bổng trị giá 1.000.000 đồng cho những trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ học phí cho 40 trẻ thuộc hộ nghèo tham gia học hòa nhập. Nhân dịp Ngày Người Khuyết tật Việt Nam 18/4, Hội đã phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội để tổ chức đoàn bác sĩ đến thăm khám, tư vấn, phát thuốc và tặng quà cho trẻ em khuyết tật tại 4 đơn vị: Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Trường PTCS Xã Đàn, Trường TH Bình Minh và Trung tâm Hy Vọng. Tổng cộng có 624 trẻ khuyết tật đã được thăm khám và nhận quà trong đợt này.

Hội cũng đã hợp tác cùng Quỹ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam tổ chức chương trình “Tiếp sức trẻ khuyết tật vùng cao đến trường” với mục tiêu hỗ trợ 1.000 trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi đi học tại 10 tỉnh miền núi và biên giới. Chương trình sẽ trao học bổng trị giá 2.000.000 đồng cho mỗi em, giúp các em có thêm điều kiện để tiếp tục học tập trong năm học mới 2024 - 2025. Tính đến hết tháng 7/2024, Hội đã trao học bổng cho 500 trẻ em khuyết tật ở tỉnh Điện Biên và 4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum với tổng số tiền lên tới 1 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã huy động được 5.676.467.701 đồng, bao gồm 3.050.167.701 đồng tiền mặt và 2.622.300.000 đồng giá trị hiện vật. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đây là một nỗ lực thiết thực nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ trẻ em khuyết tật vượt qua thử thách và vươn lên trong cuộc sống.

Cần thêm hành động chung sức từ cộng đồng

Theo số liệu từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, hiện tại cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 2 triệu là trẻ em. Đáng chú ý, hơn 90% trẻ khuyết tật không có đủ điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, cũng như hòa nhập xã hội và môi trường sống an toàn.

Phần lớn trẻ khuyết tật gặp phải những khiếm khuyết về vận động, thính giác, ngôn ngữ, thị giác, trí tuệ... và thường đến từ các hộ nghèo, sống ở vùng nông thôn hoặc những khu vực hẻo lánh. Những em rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng để có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, cơ hội học tập và hòa nhập với xã hội.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thể chất, nhưng các em luôn khao khát được học hỏi, hòa mình vào cuộc sống và sống một cuộc đời đầy đủ. Chính vì vậy, mỗi món quà hỗ trợ như xe lăn, máy trợ thính, laptop hay máy tính bảng… đều như những chiếc chìa khóa kỳ diệu, mở ra cánh cửa dẫn đến thế giới tri thức, giúp các em vượt qua rào cản của khuyết tật, tự do khám phá và hòa nhập với cộng đồng.

Chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, được thể hiện qua các chương trình bảo trợ xã hội và xã hội hóa. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực từ các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân để cùng nhau chăm sóc những đối tượng gặp khó khăn, mục tiêu là tạo điều kiện cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật có thể tự đứng dậy, hòa nhập vào cộng đồng và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng ta hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, bình đẳng và hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đây là những định hướng quan trọng để Trung ương Hội, các Hội thành viên và các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chính: Phát triển tổ chức cơ sở Hội và tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, nhằm nối tiếp thành công của Chương trình Thắp sáng niềm tin trong những năm trước.

Tiếp nối hành trình lan tỏa yêu thương

Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ IX (2024) nhằm tiếp tục lan tỏa tình yêu thương và sự quan tâm đến các cháu khuyết tật, giúp các em có thêm niềm tin, tự tin và nghị lực để vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Thông điệp của chương trình năm nay là: “Chắp cánh ước mơ cho em - Hãy hành động ngay hôm nay!”. Sự kiện này được tổ chức nhân dịp Tết Trung thu 2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, cùng với các sự kiện quan trọng khác tại từng địa phương và khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn có khả năng lan tỏa mạnh mẽ.

Chương trình sẽ tập trung vào 5 nội dung chính:

(1) Vận động tài trợ và hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những em đang nỗ lực hòa nhập;

(2) Cung cấp 1000 suất học bổng trị giá 2.000.000đ cho các em khuyết tật vượt khó và có thành tích học tập xuất sắc tại 10 tỉnh miền núi, biên giới;

(3) Tặng thiết bị hỗ trợ, máy tính và công cụ giúp phát huy khả năng của trẻ khuyết tật;

(4) Hợp tác vận động để kết nối địa chỉ cho các ca phẫu thuật tim cho trẻ em khuyết tật;

(5) Hỗ trợ phương tiện học nghề và sinh kế cho các em khuyết tật từ 13 đến dưới 18 tuổi.

Những hoạt động này nhằm mang lại hy vọng cho những số phận không may mắn như trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trẻ em bị tai nạn thương tích, cũng như con cháu đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, giúp các em có cơ hội vượt qua bệnh tật và hòa nhập cộng đồng.

 Thông qua việc triển khai chương trình kết hợp (Chương trình phát triển hội viên và tổ chức cơ sở hội giai đoạn 2024 - 2027 cùng với Chương trình Thắp sáng niềm tin cho em), chúng ta sẽ đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của các cấp hội. Các trung tâm, cơ sở, tổ chức thuộc Hội chủ động thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, trở thành địa chỉ, cầu nối tin cậy cho những tấm lòng giúp đỡ trẻ em khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Mục tiêu chính của chương trình là tập trung vào việc phục vụ và hỗ trợ trẻ em, coi đây là trung tâm của mọi hoạt động. Đồng thời, đây cũng là dịp để tri ân những tổ chức, cá nhân, doanh nhân và nhà hảo tâm đã đồng hành và đóng góp tích cực cho Hội, khuyến khích và lan tỏa những tấm gương tốt đẹp trong cộng đồng, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” và lòng tương thân, tương ái của dân tộc ta./.

TS. Ngô Sách Thực
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất