Đến nay, các cấp hội phụ nữ ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã kết nối, nhận đỡ đầu 3.087 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền cam kết hơn 41 tỷ đồng. Đây là nguồn động viên kịp thời, điểm tựa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên.
Kết nối yêu thương
Trong căn nhà nhỏ ngập tràn tiếng cười ở thôn 1, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) tiếng mẹ-con gọi nhau thân thương, ngọt ngào giữa các nữ chiến sĩ Công an Hà Tĩnh và cháu Nguyễn Thị Minh Anh đã làm vơi đi phần nào những mất mát, thiệt thòi mà nữ sinh này đã từng nếm trải những năm qua.
Kể từ khi có các mẹ đỡ đầu đến thăm hỏi, chăm nom và hỗ trợ tài chính, cuộc sống của hai bà cháu đã ổn định hơn và cháu Minh Anh luôn tự tin, vui vẻ hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa; nhất là biết chia sẻ, tâm sự với các mẹ đỡ đầu mỗi khi gặp khó khăn, hoặc những thay đổi trong đời sống hằng ngày.
Bà Phạm Thị Vân, bà nội của cháu Minh Anh chia sẻ: Do cuộc sống khó khăn cho nên bố mẹ cháu phải vào miền nam để mưu sinh. Năm 2008, khi đang trên đường đi làm về thì một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và cháu bị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ đó. Biết được hoàn cảnh đáng thương của cháu, năm 2021, hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã nhận đỡ đầu cháu Minh Anh.
Theo Trung tá Lê Thị Hồng Loan, Trưởng ban Phụ nữ Công an Hà Tĩnh, ngoài việc hỗ trợ về kinh phí từ 300-500 nghìn đồng/tháng, các mẹ đỡ đầu sẽ thay phiên nhau đến thăm hỏi, động viên, tư vấn, trang bị những kiến thức, kỹ năng giúp các cháu vượt qua được rào cản tâm lý và dần quên đi nỗi lo sợ do thiếu vắng tình thương.
"Từ khi có sự đồng hành của các mẹ công an, cháu luôn tự tin đối diện với cuộc sống thường ngày. Ngoài việc nhắc nhở, hướng dẫn cháu làm bài tập, các mẹ còn giúp con có những hiểu biết về sức khỏe tâm lý, định hướng nghề nghiệp, cũng như an ủi, vỗ về khi con gặp khó khăn. Cháu sẽ cố gắng rèn luyện, học tập thật tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định và có điều kiện để chia sẻ, giúp đỡ những em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn như cháu lúc này", cháu Minh Anh chia sẻ.
Từ khi có sự đồng hành của các mẹ công an, cháu luôn tự tin đối diện với cuộc sống thường ngày. Ngoài việc nhắc nhở, hướng dẫn cháu làm bài tập, các mẹ còn giúp con có những hiểu biết về sức khỏe tâm lý, định hướng nghề nghiệp, cũng như an ủi, vỗ về khi con gặp khó khăn.
Cháu Minh Anh chia sẻ
Cũng từng trải qua nỗi mất mát như cháu Nguyễn Thị Minh Anh khi mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu Nguyễn Đình Hậu, sinh năm 2015, ở xóm Kim Diên, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) phải ở với bà ngoại có gia cảnh vô cùng khó khăn. Trước hoàn cảnh nêu trên, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm Kim Diên (xã Nghi Long) Hồ Thị Thu đã vận động Chi hội Phụ nữ xóm nhận Hậu làm con nuôi, hỗ trợ cho cháu từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/tháng và đồ dùng học tập cần thiết. Cùng với Hậu, tám em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của xóm cũng đã được Chi hội Phụ nữ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ…
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghi Lộc Ngô Thị Thanh Xuân chia sẻ, qua tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cơ quan, cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương", nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong toàn huyện đã kết nối hỗ trợ được 127 cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức hỗ trợ từ 300 nghìn đồng đến một triệu đồng/tháng/cháu; tổng số tiền vận động hỗ trợ, bao gồm cả hiện vật quy đổi là 541 triệu đồng.
Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo các cấp hội phụ nữ ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngoài việc kêu gọi hội viên đóng góp kinh phí để đồng hành với các cháu mồ côi, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn còn đồng loạt tổ chức các hoạt động tiếp xúc, vận động, kêu gọi, tổ chức quyên góp các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm; xây dựng các mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ", "Rửa xe gây quỹ", "Bán hoa gây quỹ", "Hũ gạo tiết kiệm", "Nuôi lợn tiết kiệm", "Ngôi nhà xanh", "Quyên góp gạo", tổ chức các chương trình ý nghĩa như: "Mẹ đỡ đầu-Chắp cánh ước mơ", "Mẹ đỡ đầu-Hướng dương đón nắng", "Tôn vinh và kết nối mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi", "Chương trình nghệ thuật trình diễn trang phục truyền thống gây quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi"... Các chương trình đã mang đến nhiều cảm hứng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Điển hình như cuộc thi viết các câu chuyện truyền cảm hứng trong chương trình "Mẹ đỡ đầu", do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh tổ chức đã mang lại nhiều cảm xúc và tính lan tỏa sâu rộng, với các câu chuyện: "Nơi ấy nắng đã lên rồi", Mẹ đỡ đầu-Giá trị nhân văn và sức lan tỏa đến lay động lòng người; "Mẹ đỡ đầu-Tình thương vượt biên giới"...
|
Mẹ đỡ đầu Công an tỉnh Hà Tĩnh và con |
Cùng con viết tiếp ước mơ
Không chỉ dừng lại ở các cấp hội phụ nữ, tính nhân văn của chương trình "Mẹ đỡ đầu" và nhờ làm tốt công tác truyền thông cho nên ngay từ những ngày đầu tổ chức đã tạo sự lan tỏa đến toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ, các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội.
Các câu chuyện về mẹ đỡ đầu và con; cách thức thực hiện hiệu quả chương trình, kết quả thực hiện chương trình… qua các kênh thông tin chính thống, website, cổng thông tin điện tử, fanpage, hệ thống loa phát thanh tại cơ sở, các kênh truyền thông địa phương, mạng xã hội như: zalo, facebook…, qua các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các sự kiện quan trọng của tổ chức hội.
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" còn huy động được sự vào cuộc của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh... đã khơi dậy tinh thần, phong trào tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Viết Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Sơn cho biết: Chúng tôi đánh giá "Mẹ đỡ đầu" là một chương trình nhân văn, thiết thực. Thể hiện sự ủng hộ chương trình, cấp ủy huyện Hương Sơn đã gương mẫu đi đầu, từ Bí thư Huyện ủy đến các đồng chí Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ... đều nhiệt tình hưởng ứng. Ý nghĩa lớn nhất của chương trình không chỉ dừng lại ở con số và số tiền hỗ trợ, mà còn là tình yêu thương từ những người đỡ đầu và các trẻ thiếu may mắn. Bản thân tôi và nhiều cán bộ khác đều cảm thấy vui khi mang đến hạnh phúc cho trẻ mồ côi. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục có trách nhiệm chỉ đạo, vận động các tổ chức quan tâm, hưởng ứng tích cực hơn nữa.
Ý nghĩa lớn nhất của chương trình không chỉ dừng lại ở con số và số tiền hỗ trợ, mà còn là tình yêu thương từ những người đỡ đầu và các trẻ thiếu may mắn. Bản thân tôi và nhiều cán bộ khác đều cảm thấy vui khi mang đến hạnh phúc cho trẻ mồ côi. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục có trách nhiệm chỉ đạo, vận động các tổ chức quan tâm, hưởng ứng tích cực hơn nữa.
Đồng chí Nguyễn Viết Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Sơn
Bên cạnh những kết quả đạt được, điều đáng quan tâm, theo số liệu báo cáo, đến giữa năm 2024, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 17.528 trẻ em mồ côi, trong đó có 11.569 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đây là những đối tượng rất cần sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt, kịp thời, phù hợp và mang tính lâu dài của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Trong đó, theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An Lê Thị Hương Giang: Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra và với dân số đông, các sự cố, rủi ro trong cuộc sống nhiều cho nên số lượng trẻ mồ côi rất lớn vẫn rất khó có thể giảm trong tương lai.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh, Trương Minh Lượng, phần lớn các tổ chức, nhà hảo tâm chỉ cam kết hỗ trợ, đỡ đầu các cháu từ 3-5 năm, số trẻ được cam kết nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi còn ít, vì vậy khi các tổ chức, nhà hảo tâm ngừng đỡ đầu thì những cháu nhỏ tuổi, có hoàn cảnh hết sức khó khăn sẽ bị hụt hẫng và gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống.
"Thời gian tới, để chương trình "Mẹ đỡ đầu" đạt kết quả tốt hơn, các cấp hội phụ nữ cần tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng hơn những ý nghĩa thiết thực của chương trình. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, địa phương và các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, cần tăng cường kết nối, vận động các nguồn lực xã hội dưới nhiều hình thức như: Trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi; hỗ trợ, kết nối đào tạo nghề sau khi các cháu tốt nghiệp trung học cơ sở", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh cho biết thêm.