Các giáo viên mầm non vùng biên giới Sơn La đã nỗ lực không ngừng “vượt nắng thắng mưa” dạy chữ cho học sinh.
Giáo viên cùng học sinh trong lớp học tạm ở bản Nậm Lạn.
Vượt từng chặng đường gian khó
Cơn bão số 3 đi qua khiến những con đường đến trường ở xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) vốn đã cheo leo, gập ghềnh lại càng trở nên trơn trượt khó đi hơn. Không quản ngại khó khăn, những cô giáo mầm non nơi đây vẫn âm thầm vượt qua những chặng đường dốc đá, bùn lầy, quyết tâm mang tri thức đến với trẻ em vùng cao biên giới.
Sáng sớm tinh mơ, khi cơn mưa rừng vẫn rả rích, cô Vì Thị Hỏa - Trường MN Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn, đã xông xáo dẫn chúng tôi đến thăm điểm trường Co Muông ở bản cách trung tâm xã hơn 10km đường rừng. Thời gian trước do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, 3 đã khiến con đường đến điểm trường này hoàn toàn biến dạng. Thay vào đó là sình lầy, có những đoạn đường biến thành lòng suối, nhiều đoạn bị sạt lở, lồi lõm thành những “ổ voi” rất nguy hiểm.
“Do đường đến điểm trường chưa được bê tông hóa và nhỏ hẹp nên không ít lần khi trời đổ mưa chúng tôi lái xe đến bản dạy chữ cho học sinh bị ngã, có những lúc xe máy còn bị ngập trong bùn không thể di chuyển được. Cứ trời mưa to là đường trơn trượt, trời nắng thì bụi bặm. Để bảo đảm việc dạy học cho các em, chúng tôi phải đi bộ đến điểm trường từ 4 giờ sáng”, cô Hỏa kể chuyện.
Theo chân cô Hỏa đến điểm trường Co Muông, chúng tôi vừa đi, vừa quan sát những núi bùn đất bên taluy dương có thể sụp xuống bất cứ lúc nào bởi chúng đã “ngậm” no nước mưa qua 2 trận mưa bão vừa qua. Bên taluy âm cũng vậy, nhiều điểm đã sạt xuống vực để lại những cái bẫy tử thần ở trên đường. Chính những điều đó đã làm chậm hành trình của chúng tôi.
Chiếc xe máy tôi mượn của người quen đã được gắn những sợi xích vào lốp để tăng cường ma sát cũng đã dính bết đầy đất, rất khó di chuyển, có những đoạn, bánh xe quay tít trong bùn mà không thể đi nổi. Mấy người dân đi qua bảo, lên bản mùa này đi xe máy khó lắm, chỉ có đi bộ là thuận tiện nhất.
Các cô giáo mầm non vượt bùn đất, sình lầy đến điểm trường Co Muông dạy chữ.
Sau 2 giờ, chúng tôi mới đến được điểm trường này. Do số lượng trẻ đông tới 49 cháu nên trường phân công 2 giáo viên phụ trách.
Đã 10 năm gắn bó với núi rừng và các điểm trường vùng cao của xã Mường Lạn, cũng là ngần ấy thời gian, cô giáo Lò Thị Diên nếm trải những khó khăn đặc thù cùng vùng đất “biên ải” này. Mới sang thu nhưng ở nơi này luôn lạnh hơn những nơi khác cả chục độ. Số hộ nghèo trong thôn bản cao nên trẻ mầm non còn thiếu mặc, ăn chưa đủ chất, nhiều cháu phải đến trường trên đôi chân trần. Cơ sở vật chất trường học và chỗ ở của giáo viên còn thiếu thốn. Khó khăn chồng chất nhưng vẫn không làm giảm ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề của các cô giáo vùng cao.
Cô Lò Thị Diên chia sẻ: “Đôi khi, phải đối diện với điều kiện khó khăn của các điểm trường tôi cũng nản lòng lắm. Tuy nhiên, vì trong tim có lòng yêu nghề mến trẻ và nhìn những ánh mắt khát khao được đến lớp của các con đã khiến tôi không thể dừng lại. Các em cần được học, cần được mở mang tầm mắt, sự hiểu biết về một thế giới bên ngoài rộng lớn hơn, nhiều cơ hội hơn. Điều đó, đã thôi thúc tôi quyết tâm bám trụ và cống hiến hết mình trên con đường đã chọn”.
Chia tay cô trò điểm trường Co Muông, chúng tôi tiếp tục hành trình hơn 10km nữa để đến bản Nậm Lạn. Mưa như thêm nặng hạt, chặng đường này khó đi hơn bởi có nhiều đoạn dốc cao, độ trơn trượt cũng tăng dần, hơn nữa những điểm sạt lở xuất hiện dày hơn. Lại thêm hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với con đường đầy bùn đất, chúng tôi mới đến được bản. Năm ngoái, hơn 42 hộ dân phải di chuyển đến điểm tái định cư mới vì nơi ở cũ có nguy cơ sạt lở cao, do đó năm học này, 26 trẻ mầm non phải học trong nhà tạm vì chưa có lớp học.
Cô Vì Thị Hỏa và học trò tại điểm trường bản Co Muông.
Thắp bừng ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ
Hơn 15 năm bám lớp ở vùng cao, cô giáo Lò Thị Lan tường tận những vất vả, thiệt thòi của người dân và học trò. Hàng tuần, cô Lan phải dậy từ 4 giờ sáng để lên đường đến lớp. Con đường từ nhà cô đến điểm trường dài hơn 30km, lối đi xuyên qua những cánh rừng âm u, lội qua những con suối cắt ngang đường lúc lành, lúc dữ. Thế nhưng ngày nào cô cũng đều đặn đến trường, mang theo hy vọng và trách nhiệm với những trẻ em đang chờ đợi cô ở điểm trường Nậm Lạn.
Cô Lan cho biết: “Có những ngày mưa lớn, đường trơn như đổ xà phòng, tôi phải dừng chân, đợi cho ngớt mưa rồi mới dám đi tiếp. Nếu không đến lớp, tôi thấy nhớ các em lắm. Các em cũng vậy, mỗi lần tôi đến muộn, các bạn ấy đều đứng chờ ở cổng trường, em nào cũng cười tươi, mong ngóng cô giáo. Đây chính là ngọn lửa thôi thúc tôi phải cố gắng hơn nữa, mang được nhiều kiến thức đến với các con”.
Cô trò điểm Trường MN Nậm Lạn cùng tập thể dục.
Những năm trước đây, chặng đường đến trường của các giáo viên mầm non ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp còn có các thầy giáo tiểu học đi cùng nên có thể hỗ trợ đồng nghiệp nữ ở những đoạn đất sình lầy khó đi. Bây giờ, những học sinh tiểu học đều xuống trường trung tâm học bán trú, điểm trường ở bản chỉ còn học sinh mầm non. Vì vậy, mọi khó khăn trên chặng đường đến lớp, các cô giáo đều phải tự mình xoay sở.
Cô Nguyễn Thị Nụ - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Phong Lan cho hay: Năm học 2024 - 2025, nhà trường có 40 nhóm, lớp với tổng số 964 em; điều kiện cơ sở vật chất ở 17 điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đường đến lớp toàn đèo dốc, thường xuyên bị sạt lở. Một số điểm còn chưa có điện thắp sáng, chưa có nước sinh hoạt; nhiều phòng học còn chật chội, cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Nhà trường đang gặp khó khăn trong vận động trẻ đến lớp, nhất là trẻ trong độ tuổi nhà trẻ. Bởi ảnh hưởng thiên tai, dân cư ở các điểm lẻ cách xa nhau, cha mẹ các em thì mải làm nương, lo cuộc sống nên trẻ phải tự đến trường…
Theo cô Nụ, dù khó khăn là vậy, nhưng các cô giáo dạy cắm bản vẫn luôn nhiệt huyết, yêu nghề, kiên trì vượt khó. Các cô không chỉ dạy học sinh làm quen với con chữ, mà còn gánh thêm trách nhiệm làm người mẹ thứ hai, tận tâm chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, dạy hát, múa… cho đàn con của mình. Những người mẹ thứ hai cũng chính là người truyền cảm hứng, mở ra cho các em ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Hành trình đến trường của các giáo viên mầm non ở vùng biên giới Sốp Cộp (Sơn La) đầy gian nan, nhưng chở đầy tình yêu thương và hy vọng. Các cô luôn thắp sáng tình yêu nghề, bền bỉ thầm lặng góp sức để viết tiếp khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em vùng cao biên giới.