Thiếu giám sát, không quản lý khi giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái đua xe gây tai nạn chết người, cha mẹ không chỉ phải chi trả tiền bồi thường mà có thể đối diện án tù lên tới 7 năm.
Một bà mẹ thất thần khi biết con mình có trong nhóm ''quái xế'' đâm chết người ở Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu
Vụ nhóm “quái xế” đâm chết người dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội khiến dư luận không khỏi giật mình vì nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn vô tư giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Đáng nói, dù trước đó đã có những trường hợp phụ huynh đối diện án tù chỉ vì giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái.
Điển hình như vụ việc xảy ra hồi tháng 5, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà H.T.K.L. (46 tuổi, trú TP Huế) vì hành vi giao xe cho con trai chưa đủ tuổi điều khiển, không có giấy phép lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.
Cụ thể, năm 2023, con trai bà L. đã lấy xe máy mà bà L. đứng tên để sử dụng rồi đâm vào xe máy đi đối diện. Vụ tai nạn khiến 1 người chết. Bản thân con trai bà L. cũng bị chấn thương sọ não, phải nhập viện cấp cứu.
Trong năm 2024, một bà mẹ khác ở Gia Lai cũng bị khởi tố vì giao xe cho con trai cầm lái gây tai nạn khiến nhiều người chết. Tại phiên tòa, người mẹ này nghẹn ngào cho biết, không ngờ đến một ngày bà phải chịu cảnh vừa mất con vừa phải đối diện với án tù.
Theo trình bày của người mẹ này, năm 2022 bà bị gai cột sống nên giao xe máy cho con trai 17 tuổi chạy để chở bà đi làm và "đi loanh quanh trong làng".
Tháng 10/2023, sau khi uống rượu cùng bạn bè, con trai bà lái xe máy chở 2 người bạn về nhà. Khi cả ba đang chạy trên đoạn đường liên xã thì va chạm với 1 thanh niên đi xe máy ngược chiều. Hậu quả là cả 4 người đi trên xe máy tử vong.
Cha mẹ có thể đối diện án phạt tù
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, hiện xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chiếm 95% phương tiện lưu hành tại nước ta. Đáng lo ngại, 3/5 số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vẫn liên quan đến xe máy.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, hiện nay nhóm 16-18 tuổi vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 4 người tử vong ở Gia Lai vào năm 2023. Ảnh: CTV
Trở lại với vụ việc nhóm ''quái xế'' đâm tử vong người đi đường ở Hà Nội mới đây, trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những người tham gia đua xe phần lớn tuổi còn rất trẻ.
“Điều đáng trách hơn là các bậc phụ huynh đã không quản lý con em mình dẫn đến những đứa trẻ chưa thành niên thực hiện hành vi đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại đến tính mạng của người khác.
Bởi vậy, ngoài việc các đối tượng tham gia tổ chức đua xe, đua xe trái phép phải chịu trách nhiệm hình sự, vấn đề bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân cũng sẽ được đặt ra.
Theo đó, các bậc phụ huynh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi người dưới 18 tuổi gây thiệt hại”, luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Ngoài ra, những người là chủ sở hữu xe mà giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển gây tai nạn giao thông thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, cha mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi lái, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người... có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.
Việc giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe cũng sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với xe máy; từ 4 - 6 triệu đồng đối với ô tô.