Để chẩn đoán xác định tay chân miệng, khi trẻ có những biểu hiện nghi ngờ cần được cho đi khám, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết như: Xét nghiệm máu, dịch não tủy trong những trường hợp có biến chứng thần kinh.
Ngoài ra, chẩn đoán X-quang ngực có thể thấy hình ảnh phù phổi cấp trong những trường hợp gây rối loạn chức năng cơ tim. Chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện những hình ảnh bất thường ở não nếu có biến chứng thần kinh trung ương. Để xác định tác nhân, mẫu bệnh phẩm lấy từ mụn nước, dịch hầu họng, phân… làm xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction) với độ nhạy cao và kết quả xét nghiệm nhanh.
3. Cần làm gì khi trẻ mắc tay chân miệng?
Trên thực tế ghi nhận, đa số trẻ bị tay chân miệng độ nhẹ đều được cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà. Cha mẹ người chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng cần ghi nhớ theo các nguyên tắc sau:
- Cách ly ngay trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Khi phát hiện thấy trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần phải cho nghỉ học, nghỉ nhà trẻ để cách ly giữa trẻ bệnh – trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm.
Trẻ mắc bệnh cần nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh, để ngăn chặn sự lây nhiễm cho trẻ khác trong môi trường học đường. Trong nhà có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối, khuyến khích trẻ bệnh không nên chơi chung với trẻ lành trong thời gian mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động thường nhật của trẻ bệnh.
- Cần thực hiện vệ sinh đúng cách
Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần mang khẩu trang y tế cho trẻ bị bệnh và cho cả người chăm sóc trẻ bệnh. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch ngay.
Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh. Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng với nước sạch. Khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa sự tái nhiễm qua đường tay – miệng. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được tẩy trùng sạch sẽ bằng nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng.
Cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát ăn cơm, muỗng ăn nên được luộc bằng nước sôi và sử dụng riêng biệt. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn.
- Cần cho trẻ dùng thuốc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ
Hiện tại bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm:
Giảm đau miệng và hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol (liều 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau từ 4 – 6h), có thể phối hợp thêm Ibuprofen nếu không hạ sốt khi có chỉ định của các bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng Aspirin để hạ sốt, giảm đau cho trẻ.
Cho trẻ uống nhiều nước cho trẻ, nhất là các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamin.
Chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày. Cần kiêng cho trẻ ăn các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc.
4. Dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện
- Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã hạ sốt tích cực.
- Trẻ giật mình chới với, hốt hoảng, thất thần.
- Trẻ có biểu hiện run tay chân (khi đưa đồ chơi cho trẻ cầm), yếu chân tay, trẻ đi đứng loạng choạng.
- Trẻ đảo mắt bất thường, nôn ói nhiều, quấy khóc (dỗ không nín), co giật, thở mệt…