Xã hội

Mỹ phẩm tự pha chế và hậu quả khôn lường

Đa dạng phong phú nhiều loại hoá chất độc hại không nguồn gốc

Cho tới nay, công nghệ làm giả mỹ phẩm ( dầu gội, sữa tắm, phấn phủ,… ) của các thương hiệu uy tín ngày càng trở nên dễ dàng với những nguyên liệu chế biến đơn giản. Nhiều loại hóa chất nguy hiểm được rao bán công khai trên sàn thương mại điện tử đã trở thành một vấn đề nan giải.

Các trang mạng xã hội tràn lan những combo hoá chất tự pha chế rẻ đến bất ngờ, các loại nguyên liệu hóa chất dùng để pha chế hóa mỹ phẩm (sữa tắm, dầu gội, nước giặt xả…) dao động với giá chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng kèm theo đó là khả năng cao người dùng bị dị ứng mỹ phẩm.

Các sản phẩm tự pha chế

Các sản phẩm tự pha chế

Để tiếp cận với các “ tác giả ”, phóng viên đã thử đặt mua hàng bằng cách liên hệ với chị D – một trong những “tác giả” sản xuất, pha chế dầu gội, sữa tắm, nước tẩy rửa cho các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, khách sạn – giới thiệu một combo pha chế chỉ với giá 160.000-250.000 đồng, có thể pha được khoảng 30l thành phẩm. Chị D khẳng định các công thức pha chế này đều được giữ bí mật giữa các mối hàng, nếu mua với số lượng nhiều thì mới được chia sẻ công thức.

Chị D hướng dẫn cách pha chế vô cùng chi tiết: “Để tạo ra khoảng 30 lít nước tẩy rửa thì chỉ cần lấy 1kg chất tạo bọt (anionic surfactant), 100g LAS (surfactant), 1kg muối công nghiệp (natri clorua), 100g chất tạo độ đặc (HEC), hòa tan với 30 lít nước, khuấy đều. Để lắng trong 20 phút rồi cho thêm hương liệu, chất làm bóng, chất tạo màu, chất tạo mùi hương..., hòa tan đến khi thành phẩm đặc sánh, có mùi thơm nhẹ như sản phẩm chính hãng là sử dụng được. Công thức trên áp dụng cho cả pha chế dầu gội, sữa tắm, pha chế theo hướng dẫn dựa trên các nguyên liệu có sẵn”,.

Không chỉ riêng chị D mà một “ tác giả” khác là anh T. (ngụ tỉnh Đồng Nai) cũng được phóng viên giả vờ đặt hàng gia công các sản phẩm hóa mỹ phẩm. Khi được hỏi, Anh T. cho biết nhận gia công sữa tắm, dầu gội, nước tẩy rửa cho nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng bán online khu vực phía Nam với giá rất rẻ.

Theo như anh chia sẻ thì đa phần chất lượng sản phẩm đều tùy theo giá tiền mà thu, trung bình chỉ khoảng 7.000-10.000 đồng/kg (khoảng 1 lít). Các mặt hàng anh nhận gia công cam kết mùi hương chuẩn như các sản phẩm của hàng chính hãng. Còn nếu chỉ là hộ kinh doanh nhỏ thì nên đặt gia công thành phẩm cho tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, nếu khách muốn tự pha chế thì với mỗi công thức sẽ được anh bán với giá 15 triệu đồng.

Nguy cơ mang bênh cao từ những mỹ phẩm tự chế

Nguy cơ mang bênh cao từ những mỹ phẩm tự chế

 

Khi được hỏi về những sản phẩm làm sao có tên như một thương hiệu “xịn”, chị H. (Đồng Nai) cho biết: “Mình lấy hàng từ một người bạn. Sau đó pha trộn theo cách riêng và cho ra nhiều sản phẩm khác nhau. Chai lọ đựng do mình tự mua, nhãn dán, thông tin sản phẩm mình cũng… tự thiết kế”.

Hậu quả khôn lường từ những sản phẩm tự chế

Người tiêu dùng với tâm lý ham rẻ, lười tìm hiểu thông tin đã chọn mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc mua các loại hóa chất về pha chế để sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng các loại hóa mỹ phẩm tự pha chế, không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại. Các loại hóa chất có thể xâm nhập vào cơ thể, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) khẳng định không nên dùng bất cứ loại mỹ phẩm tự chế nào được quảng cáo truyền miệng hoặc trên mạng. Ông Đức cho biết phần lớn mỹ phẩm tự chế không nhãn mác hoặc nếu có thì đều là nhãn cũng tự chế, không được cơ quan chức năng kiểm định và đăng ký lưu hành. Do vậy, dễ có sự “ngụy tạo” về thành phần và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm pha trộn các chất như corticoid, kháng sinh… thì người sử dụng cũng không biết được.

Trước tình hình thực tế đầy nguy hiểm đó, bác sĩ CKI Hoàng Minh Dũng nói : “Natri hydroxit (sodium hydroxide) là chất rất độc hại, thường dùng để điều chế nước tẩy rửa, chỉ cần một liều 10 gam qua đường uống có thể gây tử vong. Các chất bảo quản cũng được thêm vào sản phẩm như thực phẩm, dược phẩm, sơn, các mẫu phẩm sinh học để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự thối rữa. Nhưng đặc biệt, nếu chất bảo quản có độ tinh khiết không đảm bảo, có nhiều tạp chất độc hoặc khi dùng ở liều cao, thường xuyên thì có thể gây những biểu hiện bệnh lý làm thay đổi sự trao đổi chất trong cơ thể, thậm chí gây ung thư, rối loạn gene di truyền”.

PGS.TS Lê Ngọc Diệp - trưởng phòng khám da liễu (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cơ sở II) - cho biết ngoài nguy cơ có sự pha trộn chất độc hại, do mỹ phẩm được làm từ nguyên liệu không được kiểm định về chất lượng, mỹ phẩm dạng này còn không đảm bảo điều kiện vô khuẩn. Quá trình sản xuất bằng những dụng cụ không vệ sinh, việc bảo quản, vận chuyển trong những chai lọ bất kỳ với thời tiết, nhiệt độ khác nhau dễ sinh nấm, mốc, hư hỏng. Thực tế, các nguyên liệu như mật ong, dầu cám gạo, dầu ôliu… là môi trường rất tốt để vi khuẩn, vi nấm phát triển.

Trước thực trạng “đa cấp” mỹ phẩm kém an toàn trên thị trường như hiện nay, cùng với nhu cầu sử dụng liên tục gia tăng của người tiêu dùng, nhiều “ tác giả” đã tích cực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, sau đó đưa ra thị trường nhiều sản phẩm giá rẻ, nhái thương hiệu uy tín để trục lợi.

Bên cạnh đó, việc các “tác giả” pha chế hóa mỹ phẩm đa phần đều sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau sẽ thải một lượng lớn hóa chất tồn dư ra môi trường, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống.

Người tiêu dùng vì thiếu kiến thức cơ bản, tự pha chế, làm thủ công với những hoá mỹ phẩm ( dầu gội, kem bôi, son,…) trong môi trường không bảo đảm nên đã xảy ra không ít hệ lụy. Nhẹ thì dị ứng, nặng thì hỏng da, thậm chí còn bị biến dạng khuôn mặt.

Một trong những nạn nhân của các mỹ phẩm tự pha chế, chị Hồng (Nghệ An) chưa hết kinh hoàng khi nhớ lại lần đầu sử dụng kem trị nám tự chế. Chị nói : “ Tôi được bạn giới thiệu có người quen tự làm kem trị nám hiệu quả lắm nên cũng nghe lời mua dùng thử. Thoa kem được 1 tuần thì thấy nổi mụn li ti. Hỏi lại bên bán, họ nói chắc do da chưa quen, cứ dùng tiếp là hết. Nghe lời, tôi dùng thêm 2 tuần nữa thì không những nám không hết mà giờ còn kèm thêm cả tảng mụn sưng tấy, phồng rộp nhìn phát gớm. Vội vàng đến Bệnh viên Da liễu T.Ư khám thì nhận được kết quả viêm da dị ứng do mỹ phẩm.

Với tình hình mỹ phẩm tự chế mang lại nhiều nguy hiểm cho người dùng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là những mặt hàng tự pha chế, bán trôi nổi trên mạng, để tránh “tiền mất, tật mang”.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất