Chứng kiến cảnh con gái 1 tuổi bị đánh, bóp mũi, giật tóc trong lúc ăn qua clip từ người giúp việc tại nơi giữ trẻ cung cấp, chị Trần Thị Thanh T. - mẹ cháu bé không khỏi xót xa. Ngay sau đó chị đã đến cơ quan công an tố giác hành vi bạo hành trẻ em.
Theo đó, sáng ngày 10/12, Công an Thành phố Vũng Tàu cho biết vừa tạm giữ hình sự đối với bà T.T.B. (SN 1976, trú phường 7, TP Vũng Tàu) để điều tra, làm rõ hành vi bạo hành trẻ em.
Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định ngoài bạo hành cháu bé trong clip, bà B. còn có hành vi này với 2 bé khác. Các bé từ 1 đến hơn 2 tuổi. Được biết, chiều tối 9/12 đã có những đoạn clip được chia sẻ, lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook khiến nhiều người phẫn nộ.
Những hình ảnh được ghi lại cho thấy trong lúc giữ trẻ, bà B. lớn tiếng nói "lì, lì kinh khủng" rồi dùng tay nắm tóc một bé gái khoảng 1 tuổi giật ra sau, tay còn lại liên tục dùng thìa đút thức ăn vào miệng cháu. Chưa dừng lại, bà này sau đó còn dùng điều khiển ti vi gõ vào miệng bé.
Trong một đoạn clip khác, bà B. đặt cháu bé nằm ngửa trên chân để đút cho ăn. Khi cháu vừa khóc vừa ói thì bị bà này dùng khăn lau mạnh, bịt mũi, tát vào miệng. Theo tìm hiểu, khoảng 2 năm nay, bà B. nhận trông trẻ tại nhà với số lượng khoảng 5 đến 7 bé. Qua xác minh, bà B không có chuyên môn sư phạm, tự mở điểm nhận trông giữ trẻ tại nhà.
Nói về vụ việc, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vũng Tàu thông tin, điểm giữ trẻ tự phát này chỉ nhận trông giữ ba trẻ. Các phụ huynh đều quen biết nhau và cùng thống nhất gửi tại đây. Cơ sở này chưa hình thành một nhóm trẻ được UBND phường cấp phép chính thức.
Về vụ việc tại điểm giữ trẻ tự phát trên, sau khi sự việc xảy ra Phòng GD&ĐT đã có văn bản tham mưu thành phố, chỉ đạo triển khai rà soát toàn bộ các điểm giữ trẻ tự phát tại các phường, xã để chấn chỉnh; thông báo công khai các địa chỉ giữ trẻ uy tín để người dân biết.
Qua vụ việc trên cho thấy, đây cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả các bậc phụ huynh nên chú ý tìm hiểu kĩ trong việc gửi trẻ tới các điểm giữ trẻ tự phát để tránh trẻ em bị bạo hành, gây ra sự việc đau lòng. Cha mẹ, người quản lý trẻ cần phải nâng cao trách nhiệm của mình và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Không ai có thể quan tâm, chăm sóc con cái tốt hơn cha mẹ.
Tùy vào mỗi độ tuổi nhất định, trẻ em có mức độ nhận thức, hiểu biết khác nhau, trong đó có hiểu biết về kĩ năng sống. Bởi vậy cha mẹ cần phải giáo dục kỹ năng sống và tạo cơ hội cho trẻ em hiểu biết, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bảo vệ bản thân trước mối nguy cơ bị bạo hành, xâm hại...