Nhà xuất bản Kim Đồng vừa giới thiệu bộ sách "Vang danh nghề cổ" - một bộ truyện tranh đầy sáng tạo dành cho thiếu nhi, giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Bộ sách là nỗ lực của nhóm tác giả nhằm mang đến cho thế hệ trẻ một góc nhìn sâu sắc về lịch sử và văn hóa truyền thống, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc và lòng yêu mến đối với các làng nghề truyền thống.
Viết sách về văn hóa truyền thống cho trẻ em luôn là thách thức lớn đối với các tác giả. Bằng sự trân trọng đối với những giá trị văn hóa dân tộc, cùng mong muốn lưu giữ tinh hoa nghề cổ và truyền lửa cho thế hệ tương lai, nhóm tác giả đã ấp ủ và phát triển dự án này trong nhiều năm.
Kết quả là "Vang danh nghề cổ" đã ra mắt sáu cuốn đầu tiên trên toàn quốc, bao gồm: Lãnh Mỹ A - Huyền thoại lụa, Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm của thời gian, Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa, Làng rèn Vân Chàng - Lửa rèn còn mãi, Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc, và Làng gốm Bàu Trúc - Đất vàng trên cánh đồng thiêng.
Thành Nguyễn, tác giả chính của bộ sách, chia sẻ về trải nghiệm đi khắp Việt Nam, gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện từ các nghệ nhân làng nghề.
Anh bày tỏ: “Mỗi làng nghề đều mang theo những câu chuyện văn hóa và lịch sử đặc sắc của vùng đất đó. Khi viết bộ sách này, chúng tôi không chỉ muốn truyền tải quy trình sản xuất mà còn giúp các bạn nhỏ nhận thấy tài hoa của người nghệ nhân, hiểu được văn hóa, tín ngưỡng, và tập tục đặc trưng của từng vùng miền.”
Câu chuyện nghề cổ qua những trải nghiệm sống động
Mỗi cuốn sách trong bộ "Vang danh nghề cổ" được xây dựng giống như một tập phim sống động. Câu chuyện xoay quanh cô bé An - nhân vật chính, một cô bé 7 tuổi thông minh và hiếu kỳ.
Qua những kỷ niệm gia đình, bé An đã cùng ông bà, cha mẹ trải nghiệm các làng nghề truyền thống trên khắp đất nước, từ xứ lụa Tân Châu (An Giang), làng rèn Vân Chàng (Nam Định) với lịch sử hơn 700 năm, đến làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) và làng nghề mỹ nghệ Đồng Xâm (Thái Bình).
Mỗi chuyến đi là một hành trình khám phá, nơi bé An và gia đình được chứng kiến quy trình làm nghề, gặp gỡ và học hỏi từ những nghệ nhân tài hoa. Câu chuyện của bộ sách không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu nghề cổ mà còn mang đến cho các em nhỏ một bức tranh đa dạng về lịch sử, giá trị văn hóa, lễ hội và những thay đổi của làng nghề trong cuộc sống hiện đại.
Hình minh họa sống động và gần gũi với thiếu nhi
Các họa sĩ Bùi Xuân Quỳnh, NGART, và Ruốc Đặng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu văn hóa - lịch sử để đảm bảo độ chính xác trong từng bức vẽ. Mỗi trang sách là một khung hình rực rỡ sắc màu, giúp các em nhỏ dễ dàng cảm nhận và trân trọng nét đẹp của các làng nghề truyền thống Việt Nam.
Họa sĩ Ruốc Đặng chia sẻ, việc chọn lọc tài liệu và đảm bảo đồng nhất tinh thần cho bộ sách là một thử thách lớn, nhưng cũng là cơ hội để họ hiểu thêm về giá trị của nghề truyền thống.
NGART, một thành viên trong nhóm họa sĩ cho biết: “Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng khi bộ sách hoàn thiện, chúng tôi rất vui và tự hào vì đã học hỏi được thêm nhiều kiến thức quý giá về nghề truyền thống và vai trò của việc bảo tồn di sản văn hóa.”
Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống nơi thế hệ trẻ
Bộ sách "Vang danh nghề cổ" với hình minh họa tươi sáng, gần gũi, mang đậm nét văn hóa Việt Nam, hứa hẹn sẽ khơi dậy tình yêu với nghề truyền thống và thôi thúc thế hệ trẻ cùng cộng đồng chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa.
Dự kiến, bộ sách sẽ tiếp tục ra mắt thêm bốn cuốn viết về các làng nghề khác: Thúng chai Phú Mỹ - Vươn khơi bám biển, Trống Đọi Tam - Rền vang tiếng sấm, Phường đúc Huế - Kiệt tác di sản, và Giấy dó bản Sưng - Vẻ đẹp bình dị.
Thiên An