(SKTE) Vận động viện trợ một trong những hoạt động của công tác đối ngoại nhân dân, việc làm tốt khâu vận động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (FNGO) sẽ thu hút một nguồn lực đáng kể để các tổ chức hội triển khai hiệu quả các hoạt động của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó trưởng ban Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO).
Huy động nguồn lực từ các FNGO
Đây là một trong những vấn đề quan trọng và thiết thực được bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó trưởng ban Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đề cập tới trong phần trình bày tại Hội nghị Tập huấn cán bộ về đối ngoại nhân dân và xây dựng tổ chức cơ sở hội do Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (VINARAHC) tổ chức tại Hà Nội ngày 20/3/2024.
Hiểu rõ FNGO: để biết người, biết ta Tính đến cuối năm 2023, tại Việt Nam có 396 FNGO đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang hoạt động, trong đó, chủ yếu là các FNGO đến từ Mỹ, Hàn Quốc , Nhật Bản, Anh, Hà Lan,… Từ năm 2010, Việt Nam đã không được coi là nước có thu nhập thấp nên chúng ta cũng có những ưu tiên chọn lọc trong việc hợp tác với các FNGO. Hàn Quốc có gần 60 FNGO, đây là nhóm tổ chức có tiềm năng có thể khai thác cho nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là từ thiện, viện trợ nhân đạo. Và họ đang có những nguồn lực rất mạnh, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp của nước họ đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ nhân đạo.
Để huy động nguồn lực từ các FNGO cần phải có sự hiểu biết về họ vì công tác viện trợ FNGO nói chung, trong đó có hoạt động viện trợ FNGO, gắn chặt với các chính sách đối ngoại cũng như các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, khi một FNGO đặt vấn đề hỗ trợ thì các tổ chức hội phải xem xét tư cách pháp nhân của họ (đã đăng ký hoạt động ở Việt Nam chưa, có phải là pháp nhân thành lập ở nước ngoài không), có điều lệ, tôn chỉ, mục đích phù hợp với ưu tiên của chúng ta hay không, và đặc biệt là phải có kế hoạch dự kiến, ví dụ: danh sách dự án dự kiến thực hiện với ai, ở đâu, bao nhiêu tiền; ai là người đại diện tại Việt Nam; có nguồn vốn hợp pháp không.
Tất cả các dự án hợp tác của các FNGO phải nhằm mục đích hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận và các mục đích khác. Hiện nay, không ít tổ chức hội gặp khó khăn trong việc vận động tài trợ, thậm chí tốn tiền mời đối tác nước ngoài nhưng họ chỉ đến trao đổi dăm ba câu chuyện, vẽ ra dự án, ăn bữa cơm chiêu đãi miễn phí rồi ra đi không hẹn ngày quay lại. “Không phải tất các FNGO khi đã đăng ký là được phép hoạt động ở 63 tỉnh, thành nhưng có thể được cơ quan cấp phép bổ sung thêm địa bàn hoạt động so với giấy phép ban đầu.
Các FNGO chỉ có thể hoạt động sau khi được cấp phép và chỉ có thể triển khai chương trình, dự án sau khi đã được phê duyệt” - bà Dung cho biết. Hiện nay các FNGO cũng gặp một số khó khăn trong việc huy động nguồn tài trợ ở nước họ, dẫn đến việc phải thu hẹp lĩnh vực, địa bàn hoạt động và cắt giảm nhân sự, cắt giảm số lượng dự án, lĩnh vực thế mạnh, chuyển sang các ưu tiên khác tại Việt Nam.
Chính vì vậy, các đối tác Việt Nam cũng nên quan tâm đến tình hình của họ để chia sẻ với họ trong quá trình hợp tác, xây dựng ý tưởng, đề xuất dự án. Trước đây, nhiều FNGO hỗ trợ 100% vốn nhưng nay các chương trình, dự án có vốn đối ứng của Việt Nam thì được họ quan tâm nhiều hơn. Đối tác Việt Nam không có nhiều nguồn lực nhưng có thể chỉ ra phần đóng góp của mình vào dự án là số ngày công thực hiện, cơ sở vật chất dành cho dự án tương ứng thì mới thuyết phục được nhà tài trợ,... “Bên cạnh việc phải quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các FNGO. Bất kỳ hoạt động nào, dự án nào của các FNGO cũng phải được đồng thời xem xét trên 3 khía cạnh: chính trị đối ngoại, an ninh và kinh tế. Cấp cơ sở hay nhìn vào khía cạnh vận động viện trợ nhưng cần kết hợp với cả vận động chính trị và vận động đối ngoại” – bà Dung nhận định.
Cần hoạt động hiệu quả, hợp tác tốt
Mỗi năm, các FNGO giải ngân khoảng 230 triệu USD viện trợ nhân đạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục-đào tạo, xây dựng nguồn lực và hỗ trợ tư pháp,…
Trong vài năm gần đây, việc giải quyết các vấn đề xã hội là lĩnh vực được các FNGO quan tâm nhiều nhất và cũng thu hút nhiều viện trợ nhất. Khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ thu hút nhiều viện trợ nhất từ các FNGO, tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. “Chúng ta vẫn hiểu là viện trợ nước ngoài là dành cho những vùng khó khăn nhất, có nhiều người yếu thế nhất trong xã hội thì thường được các FNGO hướng đến nhưng thực tế thì cứ địa phương nào hoạt động hiệu quả, hợp tác tốt thì họ sẽ đến. Tương tự, đối tác Việt Nam nào làm tốt, thực hiện đúng các cam kết và chia sẻ những ý tưởng để cùng nhau thực hiện thì sẽ thu hút được nhiều viện trợ nước ngoài” - bà Dung cho biết.
Hiện có khoảng 5-10 NFGO lớn, hoạt động hàng chục năm ở Việt Nam như PLAN, World Vision, Save The Children, Good Neighbors International,... rất quan tâm đến việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Theo bà Dung, VINARAHC rất có tiềm năng trong việc hợp tác với các FNGO này. Họ luôn có nhiều chương trình, dự án dành cho Việt Nam với tổng ngân sách mỗi năm lên tới hàng 6-7 triệu USD.
Trong thực tế, một dự án được phê duyệt nhưng thực hiện không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến công tác vận động viện trợ sau này. Khi đã hợp tác với FNGO thì phải xác định rất rõ trách nhiệm của tổ chức hội là phải tham gia cả quá trình chứ không chỉ có vận động viện trợ hay là quản lý và thực hiện dự án. Rất nhiều đối tác Việt Nam ở giai đoạn đầu rất hăng hái nhưng vận động viện trợ, xây dựng dự án nhưng sau đó thì lại bỏ mặc cho FNGO tự cầm hồ sơ đi đến Sở Kế hoạch đầu tư để xin phê duyệt, coi như đó là dự án của họ thì họ phải làm, và trong quá trình thực hiện lại không giám sát, chia sẻ thông tin với đối tác. Hơn nữa, hiện nay để tiếp cận các nguồn tài trợ, các tổ chức hội không những phải đánh giá biết rõ và đánh giá đúng thực lực của đối tác mà còn phải có năng lực thực hiện dự án và có vốn đối ứng. Bà Dung cũng khuyến nghị, khi tiếp xúc với FNGO, các tổ chức hội nên vạch ra những ý tưởng dự án ban đầu ra một trang giấy (tên dự án, bao nhiêu tiền, dự kiến thực hiện bao giờ, giải quyết được những vấn đề gì, đầu mối liên hệ,...).
FNGO luôn quan tâm đến những vấn đề thiết thực nhất, bức thiết nhất của chúng ta. Thậm chí, họ có thể quyết định ngay những khoản hỗ trợ nhỏ mà không cần tham vấn cơ quan đầu não. “Chủ trương xuyên suốt trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta là công tác FNGO là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân. Do đó, trong mỗi một hoạt động hợp tác, các tổ chức hội không chỉ huy động nguồn lực để thực hiện dự án mà còn cần có nhận thức chung coi đó là hoạt động chính trị đối ngoại” - bà Dung nhấn mạnh.