Tại buổi công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và Chương trình CAREME ngày 13/11, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác sàng lọc các bệnh mạn tính và ứng dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ tăng cường chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho người dân.
Tổng kết hành trình đã có 21.217 thầy thuốc trẻ tham gia hành trình; tư vấn, khám bệnh cho 1,1 triệu lượt người với tổng kinh phí hỗ trợ trên 117 tỉ đồng.
Ngoài ra, số lượng người dân được sàng lọc bệnh qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) là hơn 1 triệu người. Hơn 1 tỉ lượt xem trên các nền tảng tuyên truyền; hơn 2,6 triệu lượt thanh niên được tư vấn về bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ. Gần 3.000 người dân, bệnh nhân và thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ y tế miễn phí...
Khám siêu âm và chụp X-quang lưu động cho người dân tại Hà Nội trong Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024.
Cũng theo ông Tú, hiện nay, gánh nặng các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật. Theo số liệu năm 2019, gánh nặng bệnh tật do BKLN chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường 3,9%.
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 350.000 ca tử vong do BKLN, với bệnh tim mạch chiếm khoảng 70.000 ca, ung thư 66.000 ca và đái tháo đường 13.000 ca. Đáng chú ý, khoảng 41,5% số ca tử vong do BKLN xảy ra trước tuổi 70, gây tổn thất lớn về kinh tế và xã hội.
Các yếu tố nguy cơ chính góp phần gia tăng BKLN bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất. Ước tính, mỗi năm chi phí liên quan đến hút thuốc lá tại Việt Nam là 1,08 tỷ USD, bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và mất năng suất lao động.
Để giảm thiểu gánh nặng BKLN, Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược như tăng cường hệ thống y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý và điều trị bệnh tại tuyến cơ sở, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống BKLN. Tuy nhiên, việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phát hiện sớm vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, cộng đồng và cá nhân.
Công bố kết quả Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024 và Chương trình CAREME.
Trong bối cảnh hiện nay, tiềm năng của việc ứng dụng chuyển đổi số trong y tế là rất lớn giúp tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác; Tối ưu hóa quy trình chăm sóc và quản lý y tế (AI trong chẩn đoán hình ảnh); Hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa (telemedicine); Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển y học (Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và mô phỏng, dự đoán dịch bệnh); Cải thiện hiệu quả chi phí và giảm tải cho hệ thống y tế (giảm thiểu chi phí chăm sóc và giảm tải cho nhân lực y tế)...
Trước thực tế đó, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề xuất nghiên cứu thí điểm ứng dụng AI như 1 công cụ tiền sàng lọc các bệnh không lây nhiễm. Tăng cường Telehealth, hướng tới 1 Platform chung cho Y tế Việt Nam, đồng thời tăng cường quản lý bệnh qua app, gắn kết bệnh nhân và nhân viên y tế...