Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh là một bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, phổ biến nhất ở trẻ em. Một đứa trẻ có thể bị nhiễm cảm lạnh hơn 8 lần mỗi năm, chủ yếu xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, lạnh, vào mùa thu và mùa đông. Mặc dù phần lớn các trường hợp nhiễm cảm lạnh diễn ra ở mức độ nhẹ nhưng các triệu chứng phiền toái của bệnh khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của trẻ.
Một số trường hợp chủ quan, bệnh trở nên nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trẻ có thể bị sốt nhẹ ngay từ khi mắc bệnh. Mặc dù cảm lạnh có vẻ xảy ra thường xuyên hơn vào những tháng mùa đông, nhưng chúng cũng có thể xảy ra quanh năm. Có nhiều loại virus gây ra cảm lạnh, có thể kéo dài 5 - 14 ngày. Các triệu chứng của cảm lạnh thường gặp như: Chảy nước mũi, tắc mũi, ho, đau họng, sốt, nôn ói...
Thực thế có hơn 200 chủng virus có thể gây bệnh cảm lạnh cho trẻ, trong đó, Rhinovirus là phổ biến nhất. Các virus gây bệnh này chủ yếu lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp. Trẻ có thể nhiễm virus do tiếp xúc với các giọt bắn có chứa virus được phát tán ra môi trường bên ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh (nước bọt, nước mũi, tay,…) sau đó chạm tay lên mắt, mũi, miệng
Khi trẻ bị cảm lạnh thì cần cho trẻ nghỉ ngơi, có được sự thoải mái và điều trị hỗ trợ các triệu chứng là quan trọng. Luôn giúp cho trẻ được duy trì đủ nước. Thuốc ho và cảm lạnh thường không được khuyến cáo cho trẻ dưới 6 tuổi.
Bệnh cảm lạnh ở trẻ em thường sẽ được chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu bệnh trở nặng, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và hỗ trợ tích cực. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm dịch hầu họng, chụp X-quang để loại trừ các bệnh khác.
Các triệu chứng cảm lạnh thường sẽ tự khỏi sau khoảng 7 – 10 ngày nhưng cơn ho có thể sẽ kéo dài lâu hơn. Các phương pháp điều trị cảm lạnh hiện có đều dựa trên nguyên tắc hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
|
Ảnh minh hoạ. |
Bệnh cúm ở trẻ
Bệnh cúm do virus cúm gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông xuân và xảy ra hàng năm, các chủng virus cúm cũng thay đổi mỗi năm. Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh cúm, khi mắc bệnh, trẻ thường bị lâu hơn so với người lớn
Sự khởi phát của bệnh thường đột ngột và có các triệu chứng đi kèm như: Sốt cao, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau nhức cơ, mệt mỏi, viêm kết mạc mắt nhẹ ( đỏ mắt, ngứa). Có thể kèm theo nôn ói, tiêu chảy. Nếu các triệu chứng của cúm được phát hiện sớm, một số loại thuốc kháng virus như Tamiflu có thể hữu ích. Thuốc hoạt động tốt nhất khi được sử dụng trong 48 giờ đầu của các triệu chứng. Cách phòng ngừa và giảm các biến chứng của cúm tốt nhất là tiêm phòng cúm.
Bệnh cúm ở trẻ thường lành tính, tuy nhiên bệnh cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc, viêm phổi. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi, hệ miễn dịch còn yếu, nếu có bệnh lý nền mắc phải hoặc sức đề kháng kém, nếu bị cúm có thể dẫn đến biến chứng.
Điều trị bệnh cúm ở trẻ khác với điều trị bệnh cúm ở người lớn. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh mà cách thức điều trị khác nhau. Nếu bệnh có triệu chứng nhẹ thì trẻ có thể được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà.Với những trường hợp nặng hoặc có biến chứng nặng hoặc có yếu tố nguy cơ, trẻ cần được nhập viện để theo dõi, chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh và kết hợp điều trị hồi sức tích cực. Thuốc kháng sinh hoặc kháng virus có thể được chỉ định để điều trị những trường hợp bị bội nhiễm do vi khuẩn.
Viêm phế quản ở trẻ
Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng cấp tính với tình trạng viêm đường dẫn không khí lớn tới phổi (phế quản). Có nhiều tác nhân có thể gây viêm phế quản, phổ biến là virus hoặc vi khuẩn xâm nhập khiến đường hô hấp bị sưng viêm, tăng tiết dịch nhầy gây tắc nghẽn.Tác nhân gây viêm phế quản ở trẻ thường gặp nhất là virus. Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng được phát hiện như virus Adeno (gây co thắt phế quản, phổi), virus cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp,…
Thông thường bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà… cũng rất dễ bị viêm phế quản. Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ sẽ bị ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở.
Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường bệnh sẽ kéo dài trong 1 - 2 tuần, nếu được chăm sóc tốt sẽ khỏi hẳn. Nếu không bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tuần liền. Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi để trẻ tăng cường kháng thể. Thường xuyên giữ ấm cho trẻ (ấm ngực, chân tay, quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Khi trẻ bị viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, viêm VA thì cần được điều trị kịp thời.
Dịch tắc trong thanh quản có thể khiến trẻ khó thở, tình trạng này sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý tốt. Để đánh giá mức độ khó thở ở trẻ, cần đặt trẻ nằm yên hoặc ngủ trong vòng 1 phút và đếm nhịp thở. Nên đếm 3 lần để có kết quả khách quan nhất. Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…) và có những yếu tố nguy cơ trên thì nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.