Giá rét cũng khiến nhiều người có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim mạch và gia tăng bệnh nhân nhập viện.
Ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm
Theo Trung tâm Y tế huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, vào thời tiết rét đậm, rét hại, người dân thường có thói quen đốt than sưởi ấm và đây là nguy cơ gây ngạt khí CO.
|
Nhiều người phải nhập viện do giá rét. |
Theo các bác sĩ, nạn nhân hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim phổi, mãn tính. Có 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Mặc dù được cảnh báo nhiều, song cứ bước vào mùa đông, khi thời tiết giá rét kéo dài, nhiều người dân lại đốt than củi để sưởi ấm. Cách sưởi ấm này không những ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Vào đầu năm 2024, một gia đình ở Bắc Giang gồm 3 người đã tử vong do đốt than sưởi ấm khi ngủ.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, vào mùa rét, trung tâm cũng thường tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do đốt than củi sưởi ấm. Hầu hết người đến viện đều trong tình trạng ngạt khí nặng. Thói quen đốt than củi trong phòng kín vào những ngày giá rét rất nguy hiểm. Bởi khi đốt than trong phòng ngủ đóng kín cửa, khí CO từ than sẽ xâm chiếm hết oxy. Đặc biệt, khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Nhiều người cho rằng, chỉ đốt than một lúc cho ấm phòng rồi bỏ chậu than ra ngoài. Thậm chí, có người vì rét, khi tắm cho trẻ nhỏ cũng bê chậu than vào phòng tắm, đóng kín cửa. Nhưng họ không biết rằng, quá trình nhiễm khí độc xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy cơ thể bất thường thì gần như rơi vào tình trạng ngộ độc, khó nhận thức, không còn khả năng ứng phó và tự ra khỏi khu vực có khí độc rồi lịm dần.
Vì thế, BS Nguyên đặc biệt cảnh báo, tuyệt đối không đốt than trong phòng kín để sưởi ấm, bởi lúc đang ngủ bị ngạt khí CO người lịm dần, không thể vùng dậy kêu cứu nên rất nguy hiểm. Các ca ngộ độc khí CO phần lớn đều do người thân phát hiện, khi nạn nhân đã bất tỉnh trong phòng.
Người trẻ đừng chủ quan với đột quỵ khi nhiệt độ giảm sâu
Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận mỗi ngày 60-70 trường hợp bị đột quỵ, có nhiều ca tuổi còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân của toàn trung tâm. Vào những ngày giá rét kéo dài, nhiệt độ giảm sâu, bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng lên. BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, có bệnh nhân 31 tuổi đã mắc đột quỵ, xuất huyết não. Khi vào cấp cứu tại Trung tâm, anh này đã hôn mê, phải đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100mmHg. Ngay cả khi được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch thì huyết áp của nam bệnh nhân cũng không giảm. Theo người nhà, từ năm 2020, nam bệnh nhân đã từng chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, khi huyết áp ổn định, bệnh nhân chủ quan tự bỏ thuốc và có sử dụng thuốc lá, rượu, bia.
Theo BS Dũng, nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do tăng huyết áp nhưng không biết chiếm tỷ lệ cao. Thời tiết lạnh sâu cũng khiến người cao huyết áp dễ bị đột quỵ. Vì nhiệt độ thấp, cơ thể muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự toả nhiệt, các mao mạch sẽ co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên. Đồng thời, nhiệt độ thấp ra mồ hôi ít, khiến dung lượng máu cũng tăng lên. Tình trạng co mạch làm lượng máu trở về tim tăng, dẫn đến huyết áp tăng, từ đó dễ dẫn đến biến chứng đột quỵ.
Vì vậy, để phòng tránh đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong thời tiết giá rét, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tập thể dục ngoài trời trong thời tiết rét đậm, nếu ra ngoài đường mặc đủ ấm. Người có bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp hằng ngày, uống đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không tập thể dục hay vận động nặng khi huyết áp tăng.