Thứ Tư, 25/12/2024 08:55 (GMT+7)

Trẻ vàng da sinh lý và bệnh lý khác nhau thế nào

(SKTE) - Vàng da sinh lý thường tự khỏi sau 7 ngày, trường hợp do bệnh lý có thể dẫn đến viêm não cấp tính, bại não nếu không điều trị kịp thời.
Ảnh đại diện tin bài

ThS.BS Nguyễn Thanh Hiền Trang, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết vàng da là hiện tượng thoáng qua, thường gặp ở trẻ sơ sinh. Thông thường biểu hiện vàng da xuất hiện sau 1-2 ngày trẻ chào đời, dễ nhận thấy bằng mắt thường.

Vàng da xảy ra khi hemoglobin trong hồng cầu phân hủy thành bilirubin và đào thải một sắc tố có màu vàng qua ruột. Ở trẻ sơ sinh, do gan chưa hoàn thiện, đồng thời hệ vi khuẩn ở ruột còn non kém khiến bilirubin không được đào thải, hấp thụ lại vào hệ tuần hoàn gây nên vàng da. Vàng da sơ sinh có hai loại là sinh lý và bệnh lý.

Vàng da sinh lý

Vàng da sinh lý không gây nguy hiểm và tự hết sau 7 ngày ở trẻ sinh đủ tháng, sau hai tuần với trẻ sinh non. Trẻ bị vàng da có nồng độ bilirubin trong cơ thể không vượt quá ngưỡng điều trị (không quá 12 mg% ở trẻ đủ tháng và tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5 mg% trong 24 giờ). Cơ thể trẻ vẫn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường khác kèm theo như sốt, đừ, bú kém, phân nhạt màu nước tiểu sậm màu, xanh xao...

Như bé Phương, 3 tuần tuổi, bị vàng da dưới đùi, không sốt, không nôn ói, tiêu tiểu bình thường. Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 đo bilirubin qua da, vùng trán 11,5 mg/dl, ngực 12,3 mg/dl, chân đùi 9,6 mg/dl (chỉ số bilirubin bình thường ở trẻ dưới một tháng tuổi dưới 10 mg/dl). Bác sĩ kê đơn thuốc cho bé uống thuốc và hướng dẫn cha mẹ chăm sóc tại nhà. Sau ba ngày, bệnh nhi tái khám, các chỉ số giảm xuống còn 9,7 mg/dl vùng trán, ngực 11,8 mg/dl và đùi còn 8,6 mg/dl.

Trẻ bị tăng bilirubin sinh lý cần được theo dõi đến khi gan phát triển hoàn thiện, bé bú sữa đầy đủ. Bác sĩ Trang lưu ý phụ huynh không nên chủ quan bởi nếu nồng độ bilirubin quá cao có thể tấn công vào não và gây tổn thương, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ Hiền Trang cho biết vàng da sinh lý thường không gây nguy hiểm cho trẻ và cải thiện sau một vài tuần nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Mẹ cho trẻ bú đủ sữa giúp các cơ quan phát triển hoàn thiện, khoảng 8-12 lần mỗi ngày. Người mẹ ăn uống đủ chất, uống đủ nước, duy trì lối sống lành mạnh để đảm bảo chất lượng sữa. Trẻ nằm phòng đầy đủ ánh sáng, thông thoáng, sạch sẽ, có nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Phụ huynh đưa bé tái khám định kỳ hoặc khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Vàng da bệnh lý

Vàng da sơ sinh bệnh lý xảy ra khi nồng độ bilirubin toàn phần cao hơn 18 mg/dL và mức tăng bilirubin trong máu lên đến trên 5 mg/dL mỗi ngày. Trẻ có biểu hiện vàng da toàn thân, vàng mắt, quấy khóc, bỏ bú... Viêm gan sơ sinh, ứ mật, nhiễm khuẩn huyết sơ sinh là các bệnh lý gây ra tình trạng này.

Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nhiễm độc thần kinh như viêm não cấp tính, bại não... hay bị vàng da nhân não. Khi trẻ có các dấu hiệu vàng da bất thường, nghi ngờ do mắc bệnh lý, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám.

Đình Lâm
Hy vọng mới cho người bệnh chấn thương cột sống nghiêm trọng
Hy vọng mới cho người bệnh chấn thương cột sống nghiêm trọng

Bệnh viện Bạch Mai vừa lập cột mốc mới trong y học Việt Nam khi điều trị thành công ca gãy cột sống cổ phức tạp bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện tại Việt Nam, mở ra hy vọng mới cho những người bệnh trẻ gặp chấn thương cột sống nghiêm trọng.

Logo Tạp chí Sức khỏe trẻ em
© Bản quyền 2024 Sức khỏe Trẻ em
Hotline: Hà Nội - (024) 37 765 156 / TP HCM - 0936813116
Logo Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tạp chí Sức khỏe Trẻ em
Địa chỉ: Số 51 Vũ Ngọc Phan, Hà Nội.
Điện thoại:  0988158008; 0971251286.
Email: suckhoetreem2024@gmail.com.
Giấy phép số 298/GP-BTTTT, ngày 6/10/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
STK: 0021000568719, Ngân hàng Vietcombank
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam
Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: TS. Trần Doãn Tiến.
Phó Tổng Biên tập: TS. Nguyễn Văn Minh.
Ủy viên Ban biên tập, Trưởng VP đại diện phía Nam: TS. Nguyễn Chí Tân.
Trưởng ban thư ký Tòa soạn: Phạm Việt Hưng.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông: Hà Diệu Hiền
P. Trưởng ban Trị sự: Lê Minh Nam.
Ghi rõ nguồn Sức khỏe Trẻ em khi phát hành lại thông tin từ website này.
Thiết kế bởi Tập đoàn Trí Nam