Năm nay, Liên hiệp hội về người khuyết tật (NKT) Việt Nam lựa chọn chủ đề của ngày NKT Việt Nam là “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến NKT”. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho nhiều NKT có được cơ hội tiếp cận thông tin tốt hơn để hòa nhập xã hội.
Thiếu sự trợ giúp
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 61.132 NKT; trong đó có 15.343 NKT đặc biệt nặng, 40.820 NKT nặng và 4.969 NKT nhẹ. Thời gian qua, công tác trợ giúp NKT được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả, thể hiện trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, sinh kế, văn hóa, thể thao, du lịch… Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số, dường như sự quan tâm còn khiêm tốn.
Là một NKT sống tại TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Văn Quang cho biết: “NKT thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay, NKT mong được trợ giúp, hỗ trợ nhiều hơn về công nghệ số để tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội công việc, chẳng hạn việc bán hàng trên mạng” - ông Quang chia sẻ.
Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho rằng, hiện nay chỉ một tỷ lệ rất nhỏ, chừng 5 - 7% NKT trên địa bàn tỉnh làm việc trong lĩnh vực CNTT. Việc tiếp cận công nghệ số đối với NKT rất hạn chế và ít được quan tâm; phần lớn NKT tự mày mò nhưng việc ứng dụng khó khăn do nhiều rào cản.
“Các chương trình, kế hoạch của tỉnh có đề ra những mục tiêu về hỗ trợ NKT tiếp cận CNTT nhưng đến nay hầu như chưa được quan tâm triển khai. Ngay cả những dự án của tổ chức phi chính phủ cũng ít hỗ trợ về lĩnh vực này. Có thể, họ thấy khó nên nội dung này vẫn bị bỏ ngỏ” - ông Dũng chia sẻ.
Tại Quảng Nam, trong kế hoạch hằng năm và từng giai đoạn về công tác trợ giúp NKT đều đề ra chỉ tiêu và những nội dung hỗ trợ liên quan đến CNTT. Chẳng hạn, Kế hoạch số 564 ngày 17/1/2025 của UBND tỉnh đặt ra chỉ tiêu “20% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng các dịch vụ CNTT và truyền thông”.
Kế hoạch cũng nêu 4 nội dung triển khai trong nhóm trợ giúp về tiếp cận và sử dụng CNTT cho NKT. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở TT-TT (nay là Sở KH-CN) tạo mọi điều kiện tốt nhất trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng CNTT và truyền thông.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, một lãnh đạo Sở KH-CN thừa nhận chưa triển khai được những hoạt động cụ thể theo kế hoạch của tỉnh đề ra.
Trong khi đó, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về NKT cho rằng, nội dung trợ giúp tiếp cận và sử dụng CNTT chưa được nhắc đến trong báo cáo công tác trợ giúp NKT, bởi ngành chuyên môn được giao thực hiện chưa cung cấp kết quả triển khai.
Để “không ai bị bỏ lại phía sau”
Những nội dung trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng CNTT theo Kế hoạch 564 của UBND tỉnh như phát triển các hệ thống, giải pháp giáo dục, đào tạo trực tuyến dành cho NKT; xây dựng các cổng, trang thông tin điện tử đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ NKT; nghiên cứu phát triển các công nghệ hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng... Năm nay, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam lựa chọn chủ đề của ngày NKT Việt Nam là “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến NKT”.
Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho rằng chủ đề này hết sức phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thúc đẩy và diễn ra mạnh mẽ. Bởi nếu không có sự quan tâm, hành động cụ thể, NKT dễ dàng “bị bỏ lại phía sau” trong hành trình chuyển đổi số của đất nước.
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu NKT; trong đó, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng, vốn gặp rất nhiều rào cản trong việc sử dụng công nghệ số. Làm thế nào để NKT có thể tiếp cận với công nghệ số, chuyển đổi số và tận dụng cơ hội để phát triển đang trở thành bài toán cần được các cấp, ngành và toàn xã hội phải chung tay giải quyết mới có thể xóa nhòa những khoảng cách số.
Theo Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, việc đưa chủ đề “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến NKT” nhằm hướng tới và thúc đẩy 2 mục tiêu. Đó là khuyến khích ứng dụng công nghệ giúp NKT tiếp cận thông tin, giáo dục và việc làm; thúc đẩy xây dựng môi trường trực tuyến và dịch vụ số dễ tiếp cận.
Liên hiệp cho rằng, công nghệ số không chỉ mang lại sự thuận tiện trong cuộc sống mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội hòa nhập và phát triển cho NKT. Việc kiến tạo một môi trường số dễ tiếp cận không chỉ trao quyền cho nhóm yếu thế mà còn thúc đẩy toàn xã hội phát triển bền vững và công bằng.
Đây chính là lúc cần sự chung tay của cả khu vực công và tư nhân trong việc ứng dụng công nghệ để kiến tạo một thế giới số thực sự không rào cản - nơi mọi cá nhân đều có thể tiếp cận tri thức, cơ hội việc làm và phát huy tối đa tiềm năng của mình.
Theo điều tra quốc gia về NKT năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ độ tuổi trẻ em khuyết tật đi học chậm hơn so với trẻ không khuyết tật. Vì vậy, công nghệ trong ngành giáo dục sẽ mở ra một cơ hội học tập tốt hơn cho trẻ khuyết tật thông qua các nền tảng dễ tiếp cận như học trực tuyến, tài liệu điện tử dễ đọc dễ hiểu thay vì chữ in…
Hiện nay, nhờ công nghệ mà NKT có thể làm việc từ xa, sử dụng các phần mềm hỗ trợ để giao tiếp hay sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng công việc. Nhiều doanh nghiệp CNTT đã tuyển dụng NKT và đã chứng minh được hiệu quả làm việc của những lao động này.