Sự kiện & Bình luận

Tâm sự của chuyên gia pháp luật đồng hành cùng 'Quốc hội trẻ em'

Toàn cảnh Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024. (Nguồn: quochoi.vn)

Toàn cảnh Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024. (Nguồn: quochoi.vn)

Từ mong muốn được bảo vệ trẻ em…

Với giới luật sư nói chung và những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói riêng, tên tuổi của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ không còn xa lạ. Rất nhiều người gọi bà với cái tên trìu mến nhưng không kém phần kính trọng là “lá chắn thép” bảo vệ những đứa trẻ bị tổn thương, “bà mẹ pháp luật” của trẻ em.

Năm 2014, khi Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM được thành lập, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh việc hỗ trợ và can thiệp các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em, Chi hội Luật sư đã rất nỗ lực trong công tác phòng ngừa, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại cho cả người lớn, trẻ em để từ đó ý thức bảo vệ trẻ em được hình thành và nhân lên.

Trong quá trình hỗ trợ và can thiệp các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em, các luật sư nhận thấy để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, thì cần phải tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn các em nhỏ có ý thức tự phòng vệ ngay từ khi các em ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế, mang phiên tòa giả định đến trường học, khu dân cư - đó là hoạt động mà Chi hội Luật sư và Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã và đang làm.

Nhiều phiên tòa giả định tại các trường THCS, THPT về bạo lực học đường, bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống ma túy, phòng, chống tai nạn giao thông… đã được Chi hội Luật sư thực hiện thành công, qua đó giúp học sinh hạn chế, phòng tránh tệ nạn xã hội trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết bà cùng Chi hội Luật sư thường xuyên tổ chức phiên tòa giả định tại các trường học ở quận, huyện tại TP HCM, hay ở khu dân cư - nơi có nhiều trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành để tuyên truyền.

“Qua hơn 7 năm tổ chức phiên tòa giả định, thấy rõ thành quả phòng ngừa rất tốt, các vụ việc bạo hành, xâm hại ở những nơi đó ít hơn. Chúng tôi tuyên truyền kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua hình thức phiên tòa giả định giống như một phiên tòa thật. Những bản án tại phiên tòa giả định là có thật, đã được chúng tôi mã hóa hết nội dung, kịch bản do Chi hội soạn ra, với sự tham gia của 15 luật sư. Phiên tòa giả định không hề có kinh phí, luật sư cũng như những người tham gia đều trên tinh thần tự nguyện” - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.

Về phần mình, trẻ em sau khi tham dự phiên tòa giả định kéo dài 60 phút, các em rút ra được nhiều điều bổ ích, tránh trường hợp vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Không chỉ trẻ em mà phụ huynh cũng nhận xét phiên tòa giả định rất hay, giúp cho chính bố mẹ hiểu luật hơn, từ đó giảm được bạo hành gia đình, biết cách bảo vệ con em mình tránh được vấn nạn xâm hại. Bên cạnh việc tuyên truyền luật pháp, qua phiên tòa giả định, các luật sư cũng đưa ra những kỹ năng phòng tránh, cũng như biện pháp hữu hiệu để kịp thời hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ khi các em không may rơi vào hoàn cảnh bị bạo hành.

Được biết, tiếng vang của phiên tòa giả định đã vang rất xa, đến nay tất cả các trường ở TP HCM đều muốn đăng ký làm phiên tòa giả định. Từ tháng 9/2024, Luật sư Ngọc Nữ cùng với Chi hội Luật sư bên cạnh việc đưa phiên tòa giả định vào các trường học, đã hướng dẫn cho các em học sinh cùng tham gia, để các em “hóa thân” thành các thành viên trong phiên tòa. Từ đó, nhận thức và ý thức về pháp luật trong thế hệ trẻ sẽ được nhân lên rất nhiều.

“Một phiên tòa giả định diễn ra là góp phần bớt vụ việc vi phạm pháp luật. Từ những kinh nghiệm ở TP HCM, Chi hội sẽ biên soạn lại thành một tài liệu hướng dẫn cụ thể để nhân rộng mô hình này ra các nơi, dự kiến sẽ tới cả vùng sâu, vùng xa, để phổ biến kiến thức pháp luật được “mềm hóa” dưới hình thức sân khấu hóa tới học sinh, phụ huynh, các thầy, cô giáo, cha mẹ, cộng đồng xã hội”, theo bà Nữ.

Đến niềm vui thấy các em trưởng thành

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng các đại biểu trẻ em tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024. (Ảnh: NVCC).

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cùng các đại biểu trẻ em tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II năm 2024. (Ảnh: NVCC).

Chỉ thị số 28 ngày 25/12/2023 Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc có nêu: “Trẻ em được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe…”; Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em cũng đã khẳng định: trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, có quyền tự do phát biểu ý kiến về tất cả mọi vấn đề có ảnh hưởng đến trẻ em và những ý kiến đó phải được coi trọng một cách thích ứng phù hợp với lứa tuổi và độ trưởng thành của trẻ em, Luật Trẻ em 2016 cũng khẳng định quyền tham gia của trẻ em trong các nhóm quyền trẻ em.

Từ những căn cứ này, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Sau Phiên họp thứ nhất năm 2023, một số kiến nghị của trẻ em đã được các Bộ, ngành quan tâm tổ chức thực hiện. Phiên họp Quốc hội trẻ em lần thứ hai năm 2024, các đại biểu Quốc hội trẻ em thảo luận, chất vấn hai vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. Với bề dày kinh nghiệm làm việc với trẻ em trong lĩnh vực pháp luật, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã đồng hành cùng các đại biểu Quốc hội trẻ em qua 2 năm tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2023 và 2024.

Những ngày cuối tháng 9/2024 tại Hà Nội, bà không có thời gian để dạo chơi Thủ đô vì phần lớn thời gian bà đã dành cho các đại biểu Quốc hội trẻ em tại Nhà Quốc hội cũng như tại khách sạn Khăn quàng đỏ nơi các đại biểu nghỉ. Các em thân thiết với Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ như với người bà trong gia đình của mình với nữ Luật sư đó cũng là niềm vui vô giá, không có gì đánh đổi được.

“Tham gia cùng các em đến Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, tôi rất mừng thấy các em trưởng thành, biết mạnh dạn nói lên ý kiến của mình, biết bảo vệ mình. Ngoài việc học tập, các em đã có ý thức, trách nhiệm đóng góp cho xã hội, đó là điều rất đáng mừng ở thế hệ trẻ. Một số em tôi đã từng gặp ở các lần đi tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa giả định, nay lại được gặp lại các em trong vai trò đại biểu Quốc hội trẻ em, khi phỏng vấn thấy các em có tư duy rất tốt, trình bày lưu loát, tôi thật sự rất mừng vì các em đã trưởng thành”, trao đổi với phóng viên, bà Nữ cho biết.

Để tất cả trẻ em đều có những ngôi trường hạnh phúc; gia đình phải là nơi chốn an toàn nhất của trẻ em… đó là những vấn đề mà Luật sư Ngọc Nữ mong muốn sẽ được các Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần tới đề cập tới. “Bởi trong quá trình bảo vệ trẻ em, tôi nhận thấy, đôi khi gia đình, nhà trường còn lơ là trước sự an nguy của trẻ, để đến khi sự việc xảy ra thì đôi khi đã muộn”, theo bà Nữ.

Bên cạnh Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, phóng viên đã có dịp phỏng vấn TS. Đặng Tất Dũng - Phó Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP HCM, Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, là người cũng dành nhiều thời gian đồng hành với trẻ em tại các Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em vừa qua.

Với kinh nghiệm của mình, ông đánh giá thế nào về giá trị của quyền tham gia của trẻ em trong sự phát triển của trẻ em nói chung và ở Việt Nam nói riêng?

- Quyền được có ý kiến, được tham gia vào việc quyết định các vấn đề của trẻ em có vị trí quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, được ghi nhận bởi Luật Trẻ em và Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc ghi nhận, thực thi quyền này không chỉ giúp Nhà nước xây dựng được các chính sách, quy định có tính thực tiễn cao, phù hợp với trẻ em mà còn tạo ra môi trường để trẻ em trưởng thành, phát triển toàn diện hơn trong cách tìm hiểu vấn đề, đánh giá, đưa ra quyết định những vấn đề phù hợp với độ tuổi, nguyện vọng của mình.

Thông qua hai Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em vừa qua, ông thấy những hoạt động này có giá trị như thế nào với việc đảm bảo quyền trẻ em nói chung và quyền tham gia của trẻ em nói riêng?

- Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em là một hoạt động có tính đúc kết cao của rất nhiều hoạt động khác nhằm cụ thể hóa quyền tham gia của trẻ em. Trước đó và hiện nay, các chủ thể về lập pháp, hành pháp, hành chính cũng đã có nhiều hoạt động nhằm lắng nghe ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội đồng đội cũng có những hoạt động đa dạng như các Hộp thư “Điều em muốn nói”, Hội đồng trẻ em tại các địa phương để các em có môi trường và cơ hội tham gia ý kiến vào việc quyết định vấn đề của trẻ em. Riêng với Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, tính chủ động, tính chuyên môn sâu được đề cao. Do vậy, nội dung đề xuất, quyết định của các em (thể hiện qua Nghị quyết của Phiên họp) cũng mang một giá trị lớn hơn, được các Bộ, ngành lắng nghe, tích hợp vào các quyết sách của mình và được Quốc hội giám sát quá trình cụ thể hóa vào chính sách, pháp luật sau đó.

Là người luôn theo sát trẻ em với vai trò là Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, ông nhận thấy trẻ em đã tiến bộ như thế nào khi được thực thi quyền của mình?

- Được cùng đồng hành với các em qua một số diễn đàn và hai Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, không chỉ tôi mà tất cả các thành viên của Ban Tổ chức, Ban chuyên môn đều nhận thấy sự trưởng thành, chủ động và sâu sắc của các em trong quá trình tham gia thảo luận nội dung, xây dựng các bài phát biểu, đặt câu hỏi chất vấn và đề xuất các kiến nghị. Có nhiều đánh giá, kiến nghị mà người lớn không thể nghĩ thay cho các em được. Đó là sự tiếp nối của nhiều hoạt động về quyền tham gia mà các em đã được tham gia trước đó, là sự chủ động xác định giải pháp cho những vấn đề của chính mình dựa trên đặc thù độ tuổi và phát triển của cá nhân. Quan trọng hơn nữa, đó là sự lan truyền thông điệp đến rộng rãi trẻ em toàn quốc về việc hãy chủ động thực hiện quyền tham gia của chính các em; qua đó xây dựng những ước mơ, hoài bão, khát khao lớn hơn cho từng em để được là những người đại biểu dân cử, những người tham gia vào quá trình xây dựng đất nước sau này.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất