(SKTE) - Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM, hôm nay, ngày 02/11, các bác sĩ vừa lấy ra búi giun đũa hơn 100 con trong ruột bé trai 2,5 tuổi, kịp thời cứu bệnh nhi khỏi cơn nguy kịch.
ThS.BS Phạm Nguyễn Hiền Nhân - Khoa Ngoại tổng hợp cho biết 4 ngày trước, bệnh nhi được bệnh viện tỉnh Bình Dương chuyển đến trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp tuần hoàn, đặt nội khí quản.
Em bé là người đồng bào vùng cao, bị sốt, tiêu phân lỏng ở nhà 2 ngày sau đó mới nhập bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ.
Sau thăm khám, bệnh nhi được phẫu thuật khẩn với chẩn đoán tắc ruột, sốc nhiễm trùng. Ca mổ kéo dài hơn 2 giờ, bác sĩ phát hiện toàn bộ chiều dài ruột non của bé chứa khoảng 100 con giun đũa lớn, nhỏ.
Ekip phẫu thuật phải mổ xẻ ruột non nhiều nơi mới lấy hết được những con giun đũa trong lòng ruột. Ngoài ra, một đoạn ruột non khoảng 70cm bị xoắn hoại tử đã được cắt bỏ, khâu nối. 4 ngày sau ca mổ, bệnh nhi hồi phục tốt, ăn uống được.
Theo TS. BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, giun đũa thường xuất hiện ở trẻ em sống trong môi trường kém vệ sinh, khí hậu nóng ẩm.
Khi giun đũa tập trung với số lượng lớn có thể gây ra tình trạng tắc ruột. Các dấu hiệu thường gặp bao gồm đau bụng dữ dội, nôn mửa, đặc biệt là nôn ra dịch màu xanh vàng hoặc nôn ra giun; bụng chướng, bí trung, đại tiện; trẻ có thể quấy khóc, bỏ ăn, mệt mỏi, sốt.
Nếu phát hiện muộn, búi giun có thể dẫn đến tắc ruột hoàn toàn, làm giãn và hoại tử đoạn ruột bị tắc, gây ra nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, nguy hiểm đến tính mạng.
Các chuyên gia cho biết, khi người bệnh nhiễm bệnh giun sán có những biểu hiện như:
- Đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày;
- Táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm máu;
- Đầy bụng khó tiêu;
- Buồn nôn, nôn;
- Chán ăn; tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột bị tắc vì chứa quá nhiều giun;
- Đau bụng dưới, đau thượng vị, đau quanh rốn;
- Dị ứng (phát ban, nổi mề đay);
- Thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi);
- Ảnh hưởng thần kinh (kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu);
- Trẻ em có một số triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém.
Cần đến cơ sở y tế để khám, theo dõi.
Cách phòng bệnh giun sán
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Giữ vệ sinh cá nhân như: cắt móng tay, móng chân ngắn, sạch.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, rau sống cần rửa sạch trước khi ăn.
- Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.
- Vệ sinh môi trường xung quanh. Không phóng uế bừa bãi.