Tấm lòng nhân ái

Trung tâm CTTETT Thị xã Thuận Thành điều trị miễn phí cho bệnh nhân

 

Giám đốc Nguyễn Huy Quảng (áo trắng) giới thiệu với Chủ tịch Ngô Sách Thực (áo xanh) cô giáo Phạm Thị Tâm đang dạy nói cho cháu Nguyễn Quang Sáng.Giám đốc Nguyễn Huy Quảng (áo trắng) giới thiệu với Chủ tịch Ngô Sách Thực (áo xanh) cô giáo Phạm Thị Tâm đang dạy nói cho cháu Nguyễn Quang Sáng.

Tiếng lành đồn xa

Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thị xã Thuận Thành được thành lập tháng 12/1996 với chức năng, nhiệm vụ là tổ chức khám chữa bệnh, phục hồi chức năng miễn phí cho trẻ em khuyết tật từ 3 tháng tuổi đến 18 tuổi, vận động và kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Bác sỹ Nguyễn Huy Quảng còn khá trẻ nhưng vừa đảm nhiệm công việc quản lý Hội Đông y-châm cứu huyện Thuận Thành vừa phụ trách Trung tâm CTTETT trực thuộc.

“Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ở Hội Đông y-châm cứu, chúng tôi thấy có khá nhiều trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh hết sức đáng thương được đưa đến đây. Trong khi đó, việc điều trị phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật cần phải có thời gian lâu dài, bố mẹ phải đưa con ra tận Hà Nội rất tốn kém về thời gian, công sức và tiền bạc. Chính vì vậy, năm 1996, Hội Đông y-châm cứu huyện Thuận Thành quyết định thành lập Trung tâm CTTETTđể giúp phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật ở địa phương, đồng thời giúp giảm nhẹ phần nào gánh nặng cơm áo gạo tiền cho các gia đình có hoàn cảnh không may” – bác sỹ Quảng cho biết.

Một bệnh nhân bại não đang được điều trị xoa bóp bấm huyệt và uống thuốc chống co giật.Một bệnh nhân bại não đang được điều trị xoa bóp bấm huyệt và uống thuốc chống co giật.

Chẳng thế nhớ hết trong gần 30 năm hoạt động đến nay đã có bao nhiêu trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đến với Trung tâm để được chữa trị phục hồi chức năng, bao nhiêu trường hợp được chữa khỏi, bao nhiêu trường hợp bệnh thuyên giảm đáng kể. Bác sỹ Quảng cho biết, riêng năm 2022-2023, Trung tâm đã điều trị phục hồi chức năng cho 145 trẻ thuộc nhiều dạng tật khác nhau như: bại não, liệt nửa người, liệt 2 chi dưới, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… bằng phương pháp châm cứu, điện châm, thủy châm (với các vitamin nhóm B, thuốc bổ não Cerebrolysin), vật lý trị liệu bằng tia hồng ngoại, xung điện kích thích thần kinh, siêu âm trị liệu, tập máy vận động, xoa bóp bấm huyệt, dạy ngôn ngữ. Tỷ lệ khỏi bệnh đạt 19% và thuyên giảm đạt 69%. Và ngày càng có nhiều trẻ em khuyết tật ở trong và ngoài thị xã được đưa đến đây điều trị. Trung tâm hiện đang điều trị phục hồi chức năng cho 50 trẻ, trong đó có các cháu đến từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Dương và Hưng Yên.

Có thể kể đến một số trường hợp điều trị đạt kết quả tích cực như cháu Trần Thế Anh (9 tuổi) và Đỗ Trung Anh (3 tuổi), cùng ở Gia Bình, Bắc Ninh, đều bị bại não, cổ mềm oặt, không thể ngồi và hay quấy khóc. Sau 1-2 năm điều trị, cả hai cháu đã cứng cổ, ngồi được, đi được, nói được. Cháu Trần Thế Anh hiện đang học lớp hai, còn cháu Đỗ Trung Anh thì đang theo học lớp chuyên biệt. Cháu Hàn Minh Khang (Lương Tài, Bắc Ninh) lúc 3 tuổi đưa đến trung tâm được chẩn đoán bị tự kỷ tăng động, chưa biết nói, hay chạy nhảy, không tập trung chú ý. Sau hơn 1 năm điều trị, cháu đã nói được, tập trung chú ý, và đi học tại trường mầm non địa phương.

Khó khăn nhưng vẫn chữa trị hoàn toàn miễn phí

Lớp ngôn ngữ trị liệu chỉ có một cô dạy một trò. “Cháu Nguyễn Quang Sáng 3 tuổi rưỡi, khi đưa vào đây thì được chẩn đoán bị tự kỷ tăng động, chưa biết nói. Sau khi được can thiệp ngôn ngữ mấy tháng nay thì cháu mới biết nói ‘ạ’. Cháu ở cách trung tâm khoảng 10 km, rất hay bị ốm vặt và nghỉ học. Nếu được can thiệp thường xuyên thì chắc chắn cháu sẽ tiến bộ hơn nhiều” - cô giáo Phạm Thị Tâm vui mừng nói.

Chủ tịch Ngô Sách Thực thăm hỏi, động viên các bệnh nhân điều trị tại đây.Chủ tịch Ngô Sách Thực thăm hỏi, động viên các bệnh nhân điều trị tại đây.

Tình thương với những đứa trẻ bất hạnh cùng với việc nhìn thấy chúng ngày càng tiến bộ trong việc phục hồi chức năng – từ không biết nói đến bập bẹ rồi nói được thành câu, từ chỗ chỉ nằm liệt giường đến chập chững rồi đi lại bình thường, từ những đứa tưởng như cả đời chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội đến khi biết nói, biết đi, biết làm việc kiếm sống, biết lấy vợ lấy chồng... – càng làm cho các cán bộ của Trung tâm cảm thấy phấn khởi, gắn bó và yêu quý nghề nghiệp, mặc dù thu nhập chưa thực sự tương xứng với công sức bỏ ra. Trong 6 nhân viên của Trung tâm, không kể giám đốc, thì chỉ có 2 người được hưởng lương theo biên chế của Hội Đông y-châm cứu tỉnh.

“Các cháu bị khuyết tật đến trung tâm được chữa trị miễn phí 100%, thậm chí bảo hiểm y tế không phải chi trả” – bác sĩ Quảng khẳng định. Đây là điều mới nghe thì rất ngạc nhiên vì hàng năm số tiền mà các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm ủng hộ chỉ vỏn vẹn khoảng 100 triệu đồng, còn chủ yếu là tặng quà trực tiếp cho trẻ nên Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên hợp đồng. Rất may là còn có 30 hội viên là những người có thời gian và điều kiện thường xuyên đến Trung tâm hỗ trợ việc xoa bóp, bấm huyệt cho bệnh nhân.

Bài và ảnh: Dương Nguyên Khải

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất