Con số này đã cao hơn đáng kể so với vài năm trước đây. Khảo sát răng miệng ở trẻ em Việt Nam do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào năm 2019, tỉ lệ sâu răng sữa là 46,5% (nhóm 1-9 tuổi) và sâu răng vĩnh viễn là 28% (nhóm trên 5 tuổi).
Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt Trung ương, có đến 91% các em chăm sóc răng miệng không đúng cách.
Dấu hiệu của sâu răng tùy thuộc vào mức độ và vị trí sâu. Khi sâu răng mới khới phát, trẻ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi sâu răng tiến triển nặng hơn sẽ xuất hiện một số biểu hiện như:
- Răng đổi màu ở một vài vùng, vài điểm trên mặt nhai hoặc kẽ răng.
- Đau răng khi nhai hoặc tự phát mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Răng nhạy cảm, đau buốt khi ăn uống đồ ngọt, nóng hoặc lạnh, khi có thức ăn giắt vào kẽ răng.
- Xuất hiện lỗ sâu trên răng.
- Từ những lỗ sâu nhỏ không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ diễn biến đến bệnh lý tủy răng, gây đau đớn. Nhiễm trùng thời gian dài có thể lan rộng ra xung quanh chân răng gây áp-xe, viêm tấy vùng mặt. Trường hợp nặng có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, nguy hiểm tính mạng, điều trị tốn kém.
Bên cạnh nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, toàn thân, sâu răng còn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm một số bệnh toàn thân. Khoa học chứng minh sâu răng làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc trên trẻ mắc tim bẩm sinh, viêm cầu thận, nhiễm trùng.
Phòng chống sâu răng
Dưới đây là hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe:
- Hạn chế cho trẻ ăn vặt thường xuyên, đặc biệt là những thức ăn có nhiều chất béo, đường và tinh bột. Khuyến khích trẻ ăn những thực phẩm giàu canxi và vitamin tốt cho răng như sữa chua, phô mai, táo, cà rốt, trứng, cá.
- Khuyến khích trẻ dùng kem đánh răng có fluoride và đánh răng ít nhất 2 lần một ngày, lý tưởng nhất là sau mỗi bữa ăn. Trẻ nên dùng loại bàn chải lông mềm, tay cầm dễ dàng thao tác, đầu bàn chải nhỏ.
- Hướng dẫn trẻ đánh răng đúng kỹ thuật (chải ngang kết hợp xoay tròn), sử dụng lực vừa phải, tránh tổn thương cổ và chân răng. Trung bình thời gian chải tất cả bề mặt răng cần 2,5-3 phút.
- Hướng dẫn trẻ sử dụng chỉ nha khoa hay tăm nước để làm sạch kẽ răng.
- Đưa trẻ khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý răng miệng.
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 đề cập các bộ ngành quan tâm tới sức khỏe học đường thông qua một số nội dung như:
- Hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, bữa ăn học đường phù hợp với lứa tuổi, vùng, miền và hình thức tổ chức; quy định nhằm hạn chế học sinh tiếp cận với các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe; xây dựng các tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh, bệnh, tật học đường và vệ sinh trường học, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần.
- Bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh trường học; tiêu chuẩn bàn ghế học sinh; danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học; hỗ trợ chuyên môn cho công tác chăm sóc sức khỏe học sinh; hướng dẫn về phòng, chống các yếu tố nguy cơ và bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản ở học sinh.