Nhiều chủ shop bán online bị khởi tố vì trốn thuế lớn
“Gian lận thuế ngày càng tinh vi, khó nhận diện, có những trường hợp bán hàng online dùng nhiều tài khoản; tạo nhiều mô hình kinh doanh, hoạt động không rõ ràng giữa mô hình doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh, dùng 2 hệ thống sổ sách; chỉ nhận tiền mặt. Việc này nhằm che giấu doanh thu, trốn thuế, gây thất thoát ngân sách”, ông Phan Tiến Hòa nhấn mạnh.
Hiện cơ quan Thuế, trong đó có Thuế thành phố Hà Nội đang tập trung rà soát cá nhân KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) KOC (người tiêu dùng chủ chốt có sức ảnh hưởng) để chống thất thu thuế. “Nhiều người nổi tiếng bán hàng trên mạng xã hội chủ động kê khai, khắc phục nộp vào ngân sách trên 40 tỷ đồng”, Phó trưởng Thuế TP Hà Nội cho biết.
Cùng với đó, hộ, cá nhân kinh doanh chủ động nộp thuế qua cổng TMĐT khoảng 1.020 tỷ đồng, chiếm 55% số nộp cả nước. "Người dân đã dần dần nhận thức rõ được trách nhiệm, hậu quả pháp lý khi không thực hiện, cố tình trốn tránh nộp thuế", đại diện Thuế TP Hà Nội cho biết.
Tại Hội nghị sơ kết ngành Thuế 6 tháng mới đây, ông Phan Tiến Hòa cho biết, Cơ quan này đã ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích kho dữ liệu lớn thu thập từ các sàn TMĐT, ngân hàng, mạng xã hội. Qua đó, họ nhận diện các trường hợp phát sinh doanh thu từ kinh doanh TMĐT, để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của TMĐT, mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube là môi trường kinh doanh sôi động của hàng triệu cá nhân, tổ chức, trong đó có nhiều người nổi tiếng, ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs). Tuy nhiên vẫn có nhiều chủ shop cố tình vi phạm, trốn thuế lớn. Từ đầu năm đến nay, cơ quan này chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý một số vụ việc vi phạm quy mô lớn. Gần nhất, Thuế TP Hà Nội phối hợp Công an thành phố phát hiện và xử lý một số vụ việc liên quan đến trốn thuế.
Cụ thể, vụ TikToker Vũ Nam Phương (Vũ Hồng Phúc - Cún Bông) và Công ty cổ phần Dược Hoa Kỳ có doanh thu lớn, cả online và tại cửa hàng, nhưng không xuất hóa đơn, kê khai thuế đầy đủ. Vụ việc gây thiệt hại cho ngân sách hơn 10 tỷ đồng.
Theo Cơ quan Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội (CATPHN), Vũ Nam Phương là KOL nổi tiếng với hơn 300.000 người theo dõi trên Facebook và hơn 500.000 người theo dõi trên TikTok. Để tránh nộp thuế, vợ chồng Phương Thắng (Nguyễn Nam Thắng là chồng Nam Phương) đã chỉ đạo nhân viên kế toán Chu Thị Mỹ Nhung (sinh năm 1985) kê khai doanh thu “ảo” khoảng 5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số thực tế 120 tỷ đồng.
Ước tính của cơ quan điều tra, hành vi trên đã gây thất thoát hơn 10 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) CATP cũng đang mở rộng xác minh thêm hơn 500 tỷ đồng giao dịch qua các tài khoản ngân hàng của Vũ Nam Phương.
Tương tự vụ việc Công ty TNHH MI Hà Nội do cá nhân Đoàn Mạnh Hòa làm Giám đốc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng không kê khai gần 33 tỷ đồng, che giấu qua tài khoản cá nhân, vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra). Hoặc vụ Nguyễn Thị Thu Hường (Hycloset) kinh doanh, bán hàng quần áo, giầy dép, túi xách, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng qua Facebook, theo xác minh ban đầu của cơ quan công an, doanh thu phát sinh hơn 834 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay, người bán không kê khai, nộp thuế. Địa điểm tổ chức kinh doanh livestream bán hàng tại căn hộ chung cư cũng khiến cơ quan thuế khó phát hiện.
Một vụ điển hình nữa là cá nhân Đỗ Mạnh Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada…) để bán điện thoại, phụ kiện. "Phát sinh doanh thu đặc biệt lớn (hàng trăm tỷ đồng) nhưng không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn số tiền thuế lớn (2,5 tỷ đồng), gây thất thu cho ngân sách", ông Phan Tiến Hòa cho biết.
Lãnh đạo cơ quan Thuế Hà Nội cho rằng, kinh doanh trên nền tảng số cần đi cùng với trách nhiệm thuế. Do đó tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật. Việc này không phụ thuộc người bán nổi tiếng và có sức ảnh hưởng, quy mô lớn hay nhỏ. "Cố tình trốn thuế sẽ để lại hậu quả pháp lý nghiêm trọng tới tổ chức, cá nhân vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh, gây thiệt hại cho ngân sách", ông Phan Tiến Hòa cho biết.
Theo cơ quan Thuế Hà Nội, tính đến tháng 6/2025, thu từ hộ, cá nhân kinh doanh nộp qua cổng TMĐT (cổng 888) đạt 1.020 tỷ đồng, chiếm 55% số nộp cả nước nhờ sự kết nối dữ liệu từ các nguồn sau: Sàn TMĐT, Đơn vị thanh toán, Đơn vị vận chuyển, ngân hàng thương mại. KOL, KOC, KOS chủ động nộp thuế trên 40 tỷ đồng.
Thu gần 100.000 tỷ đồng thuế từ TMĐT
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, số thuế thu qua kênh TMĐT trong nửa đầu năm gần chạm mức 100.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm, có 1.474 hộ kinh doanh truyền thống chuyển đổi thành doanh nghiệp. Riêng tháng 6/2025, có 910 hộ, chiếm gần hai phần ba tổng số hộ chuyển đổi. Tính đến ngày 30/6, khoảng 47.078 hộ kinh doanh đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử, vượt dự báo đưa ra trước đó gần 30%.
Cả nước hiện có khoảng 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000-97.000 tỷ đồng của 2 năm trước đó.
Từ ngày 1/7, các sàn TMĐT, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thuế thay khoản thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân cho người bán (hộ, cá nhân kinh doanh) trên sàn. Các khoản thuế trên sẽ được khấu trừ ngay khi đơn hàng được xác nhận thành công và người mua chấp nhận thanh toán.
Để quản lý, giám sát giao dịch trực tuyến, cơ quan Thuế yêu cầu các tổ chức trung gian, quản lý sàn, nền tảng số tận dụng dữ liệu và công nghệ. Các sàn cần tạo thuận lợi cho hộ, cá nhân kinh doanh giảm thủ tục hành chính, nộp thuế dễ dàng hơn, ngăn các hình thức trốn thuế. Ngoài ra, Cục Thuế cũng xây dựng sổ tay hướng dẫn kê khai, nộp thuế với hoạt động TMĐT cho các hộ, cá nhân kinh doanh.