Sáng ngày 17/5/2025, tại Hà Nội, Trung tâm II (Center Two) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 20 thành lập (2005-2025). Tham dự sự kiện có ông Ngô Sách Thực, Ủy viên Đoàn chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; Giám đốc Trung tâm II Đồng Văn An cùng các phó giám đốc Nguyễn Trọng Đại và Trần Thị Duyên; `bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng người khuyết tật, Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Y tế; cùng đại diện nhiều bệnh viện trung ương; Sở Y tế, bệnh viện đa khoa 15 tỉnh thành, các nhà tài trợ đã phối hợp với Trung tâm II thực hiện khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật trong thời gia qua.
Không chỉ phẫu thuật nhiều loại dị tật
Trung tâm II thành lập ngày 24/8/2005 theo quyết định số 110/2005/QĐ/BTC.TWH của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam xuất phát từ mong muốn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều trẻ em khuyết tật Việt Nam của 2 tư tưởng lớn gặp nhau là ông Đồng Văn An từng làm việc cho Ủy ban 2 Hà Lan (KTwee) và một người bạn Hà Lan là ông Jo Koster. Tháng 4/2005, ông Jo Koster thành lập Child Surgery Vietnam Foundation (CSVN) để vận động kinh phí hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ khuyết tật Việt Nam. Tham gia vào hoạt động cứu trợ nhân đạo lúc đó chỉ có 4 người Việt Nam là ông Đồng Văn An, bác sỹ Trần Quốc Hưng, bác sỹ Nguyễn Hồng Đạo, y sĩ Phạm Văn Lý và người nước ngoài là ông Jo Koster.
Tháng 7/2006, Trung tâm II khởi đầu hoạt động bằng việc phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình phục hồi chức năng Thái Nguyên tổ chức chương trình phẫu thuật cho 16 trẻ khuyết tật vận động vì di chứng sau bỏng đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn sau khi khám sàng lọc.
 |
Chủ tịch Ngô Sách Thực (thứ ba bên phải) và Giám đốc Đồng Văn An (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh kỷ niệm sau khi trao kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật” cho các cá nhân tiêu biểu trong các hoạt động của Trung tâm II: ông Trần Quốc Hưng, bà Võ Thị Ninh, ông Jo Koster, ông Nguyễn Minh Công (Ảnh: Center Two).
|
Trong quá trình hoạt động, Trung tâm II nhận thấy nhiều bất cập phát sinh khi bệnh nhân phải chuyển tuyến từ các tỉnh xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng về Thái Nguyên và Hà Nội và số loại dị tật cần phẫu thuật ngày càng nhiều nên quyết định tổ chức phẫu thuật điều trị cho trẻ ngay tại các bệnh viện đa khoa tỉnh. “Chúng tôi quyết định chính là bệnh viện đa khoa các tỉnh sẽ là người làm chủ chương trình này, còn Trung tâm II chi là người hỗ trợ về tài chính, là cầu nối giữa các đơn vị tài trợ với bệnh viện tỉnh. Thông qua Chương trình Nâng cao Năng lực cơ sở 1816 của Bộ Y tế, Trung tâm II đã liên kết với chuyên gia các bệnh viện tuyến trung ương. Và từ đó thành lập nhóm thiện nguyện gồm các bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Saint Paul, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên” – Giám đốc Trung tâm II Đồng Văn An cho biết.
Trung tâm II không chỉ thuần túy phẫu thuật cho trẻ khuyết tật, mà còn đồng hành cùng Bộ Y tế trong chương trình nâng cao năng lực đội ngũ y bác sỹ tuyến xã, biết cách nhận diện, xác định trẻ có nhu cầu khác nhau thông qua các chương trình tập huấn khám sàng lọc; đào tạo đội ngũ phẫu thuật viên bệnh viện đa khoa tỉnh để làm chủ các phẫu thuật cho trẻ khuyết tật. Để một ngày mai trẻ khuyết tật được phẫu thuật ngay tại tỉnh mình bằng chính các bác sỹ của bệnh viện đa khoa tỉnh.
 |
Tặng bằng khen của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu (Ảnh: Center Two).
|
Ngày càng nhiều loại dị tật được khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật cho trẻ khuyết tật. Có thể phân thành 6 nhóm chính là: 1) Dị tật vùng mặt; 2) Các loại Ung bướu lành tính; 3) Khuyết tật mắt; 4) Khuyết tật vận động; 5) Di chứng sau bỏng; 6) Các loại dị tật vùng sinh dục hậu môn. Ngoài ra điểm nổi bật trong chương trình của Trung tâm II là cung cấp các dụng cụ trợ giúp như xe lăn, chân, tay giả, áo chỉnh hình, nẹp chỉnh hình cho trẻ khuyết tật nếu có nhu cầu.
Đồng thời các hoạt động khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cũng dần mở rộng thêm nhiều địa phương. Đến năm 2025, trẻ khuyết tật ở 15 tỉnh được Trung tâm tổ chức khám sàng lọc, phẫu thuật và cung cấp dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng miễn phí là: Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Cao Bằng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Định.
Thu hút nhiều tấm lòng nhân ái
Năm 2022, vì đã cao tuổi nên ông Jo Koster quyết định dừng hoạt động tổ chức CSVN. Điều đó đồng nghia với việc nguồn tài trợ lớn nhất cho các hoạt động của Trung tâm II từ năm 2005 không còn. Nguồn tài trợ từ hai nhà hảo tâm là HVNC và Les Amis De Montreal không thể đủ để giúp Trung tâm II tiếp tục duy trì hoạt động, lúc đó người đứng đầu tổ chức đã có kế hoạch sang năm 2023 cũng sẽ dừng hoạt động.
Đúng vào năm 2023, vị tổng giám đốc trẻ người Đan Mạch của Công ty Ecotek là Mads Werner sinh sống và làm việc nhiều năm ở Việt Nam, biết đến những hoạt động nhân đạo của Trung tâm II đã nhận tài trợ và giúp đơn vị tiếp tục phát triển.
 |
Tặng hoa vinh danh và tri ân những tấm lòng vàng – các tổ chức và cá nhân đã thầm lặng đồng hành với trẻ khuyết tật thông qua các hoạt động của Trung tâm II (Ảnh: Center Two).
|
Rồi sau đó lần lượt xuất hiện những nhà tài trợ khác như Quỹ Thiện Tâm thuộc tập đoàn VinGroup - tổ chức từ thiện lớn nhất Việt Nam – tài trợ kinh phí cho Trung tâm II hoạt động tại 6 tỉnh, ông Robert Michael Garry người Mỹ sau khi tiếp cận với chủ tịch CSVN đã về nước thành lập tổ chức CSVN-USA hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm II tiếp tục duy trì các hoạt động. Sự thật như một giấc mơ! Năm 2023 thay vì kế hoạch đóng cửa, Trung tâm II đã duy trì chương trình hoạt động tại 7 tỉnh.
Năm 2024, Trung tâm II gặp được Công ty JMB, Quỹ Simba Hy vọng. Hai đơn vị này không chỉ giúp Trung tâm II về tài chính cho các chương trình mà còn giúp xây dựng Trung tâm II có một cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động chuyên nghiệp, chính quy. “Cùng với sự tài trợ kinh phí dồi dào của Quỹ Thiện Tâm thuộc tập đoàn VinGroup, năm 2025 Trung tâm II đã phát triển địa bàn hoạt động từ 9 tỉnh năm 2024 đến 15 tỉnh trong năm 2025” – ông An cho biết.
Theo thống kê, từ năm 2005 đến hết năm 2024, với số tiền gần 25 tỷ đồng vận động từ các nhà tài trợ nói trên, Trung tâm II đã thực hiện hàng trăm đợt khám sàng lọc và 116 đợt phẫu thuật cho 10.427 trẻ khuyết tật tại 12 tỉnh.
Lời chúc giúp được nhiều hơn nữa trẻ khuyết tật
“Bằng những việc làm và kết quả cụ thể, Trung tâm II đã trở thành một điểm tựa vững chắc, nơi ươm mầm hy vọng và lan tỏa lòng yêu thương con người. Các chương trình phẫu thuật tại 15 tỉnh đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều trẻ em khuyết tật, trong đó có rất nhiều em ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc các em được phẫu thuật tại bệnh viện của địa phương, không phải chuyển lên tuyến trên của Trung tâm II thể hiện cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả với chi phí tối thiểu, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân, nhất là gia đình có các cháu khuyết tật, đối tượng khó khăn rất cần giúp đỡ” – Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá cao kết quả hoạt động của Trung tâm II, coi 15 tỉnh thành mà Trung tâm II đã tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật là 15 trạm yêu thương và mong rằng, đơn vị sẽ tiếp tục nối dài chuỗi thành tích để mang lại hy vọng thay đổi cuộc đời cho ngày càng nhiều trẻ khuyết tật ở Việt Nam.
 |
Nghi thức khởi động kế hoạch hành động 5 năm 2026-2030 (Ảnh: Center Two). |
 |
Điệu múa “Hành trình của lá” của các em nhỏ đến từ Trung tâm từ thiện và hướng nghiệp Phật Tích diễn tả hành trình lớn lên, vươn ra ánh sáng, gieo mầm sự sống,... (Ảnh: Center Two). |
“Với sự phối hợp chặt chẽ cùng Trung tâm II, nhiều bác sĩ tuyến tỉnh ngày nay đã làm chủ được những kỹ thuật cơ bản trong phẫu thuật cho trẻ khuyết tật. Thay vì phải vượt hàng trăm cây số để đến Hà Nội, các em nhỏ nay đã được mổ ngay tại địa phương, với sự an tâm và chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao” – PGS. TS. Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai, tự hào với những người thày thuốc như họ, đó chính là thành quả ngọt ngào nhất sau 15 năm đồng hành cùng Trung tâm II.
“Trong 20 năm qua, Trung tâm II đã dành sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt cho tỉnh Lai Châu, thực hiện phẫu thuật cho 1.605 trẻ khuyết tật với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Sở Y tế Lai Châu đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả với Trung tâm II thông qua thỏa thuận hợp tác để triển khai các hoạt động khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật” – bà Nguyễn Thanh Thủy, PGĐ Bệnh viện đa khoa Lai Châu, cho rằng, đó là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả nhằm mang lại dịch vụ y tế tốt nhất cho người dân.
“Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện đa khoa Yên Bái đã phối hợp với Trung tâm II phẫu thuật cho 420 trẻ khuyết tật và nhiều em đã trở lại với cuộc sống bình thường cả về hình thể lẫn chức năng, đem lại hạnh phúc và niềm vui cho các cháu và gia đình. Sự hỗ trợ này mang ý nghĩa rất nhân văn, khi các cháu đến phẫu thuật tại bệnh viện hoặc chuyển lên tuyến trên thì các cháu và người nhà đi cùng đều được miễn phí điều trị, ăn ở và đi lại” – ông Diêm Sơn, PGĐ Bệnh viện đa khoa Yên Bái cho biết.
Trong giai đoạn 2026-2030, Trung tâm II đặt mục tiêu phẫu thuật 9.000-11.000 trẻ khuyết tật, hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình 5.000-7.000 trẻ, khám sàng lọc và tư vấn 10.000-15.000 trẻ, đào tạo 100-200 bác sĩ tuyến tỉnh, tập huấn khám sàng lọc và nhận diện dị tật cho 2.500 cán bộ y tế,...
Những kết quả và cống hiến của Trung tâm II cũng đã được các cấp ghi nhận. Giám đốc Đồng Văn An đã được tặng bằng khen, kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật” của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, bằng khen của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2010), Thủ tướng Chính phủ (năm 2013), Bộ Lao động Thương binh và xã hội (năm 2021), UBND tỉnh Cao Bằng (năm 1998), UBND tỉnh Điện Biên (năm 2009), UBND tỉnh Lào Cai (năm 2009), UBND tỉnh Lai Châu (năm 2009), UBND tỉnh Hà Giang (năm 2011).