Nghiên cứu - Trao đổi

250 triệu trẻ em không được đến trường, kinh tế toàn cầu thiệt hại 10.000 tỷ đô la

Năm 1948, giáo dục được tuyên bố là quyền dành cho tất cả con người. Điều này đã được tái khẳng định vào năm 2015, khi Liên Hợp Quốc xác định khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người là “mục tiêu phát triển bền vững”.

Khi 250 triệu bé gái và bé trai trên toàn cầu không được tiếp cận giáo dục, sẽ gây thất thoát kinh tế 10.000 tỷ đô la mỗi năm. Ảnh: UNESCO

Khi 250 triệu bé gái và bé trai trên toàn cầu không được tiếp cận giáo dục, sẽ gây thất thoát kinh tế 10.000 tỷ đô la mỗi năm. Ảnh: UNESCO

Tuy nhiên, bất chấp nhiều thập kỷ tiến bộ trong việc tiếp cận giáo dục, 250 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới vẫn không được đến trường và 70% trẻ em 10 tuổi ở các nước thu nhập thấp và trung bình ngày nay không thể đọc hiểu được một văn bản viết đơn giản.

Trong một báo cáo được UNESCO công bố hôm 17/6, có tựa đề "The price of inaction: The global private, fiscal and social costs of children and youth not learning", UNESCO nêu rằng, cái giá phải trả cho nền kinh tế toàn cầu do tình trạng bỏ học và khoảng cách giáo dục thất thoát 10.000 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030, tương đương với hơn GDP hàng năm của Pháp và Nhật Bản cộng lại.

Ngược lại, báo cáo ước tính rằng, việc giảm 10% tỷ lệ học sinh bỏ học sớm hoặc những người không có kỹ năng cơ bản sẽ làm tăng mức tăng trưởng GDP hàng năm từ 1 đến 2%. Do đó, giáo dục dường như là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà một quốc gia có thể thực hiện.

Ngoài những cân nhắc về tài chính này, báo cáo còn cảnh báo về những thiệt hại xã hội đáng kể do những thiếu sót về giáo dục này gây ra. Cụ thể, khoảng cách trong việc tiếp thu các kỹ năng cơ bản có liên quan với tỷ lệ mang thai sớm ở các bé gái tăng 69%, trong khi mỗi năm học trung học sẽ làm giảm nguy cơ các bé gái kết hôn và sinh con trước 18 tuổi.

Trong cuộc họp của các bộ trưởng giáo dục hôm 17/6 tại trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp), bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO kêu gọi 194 quốc gia thành viên tôn trọng cam kết trong việc biến giáo dục thành một quyền cho mọi con người trên toàn thế giới.

Theo Tổng Giám đốc UNESCO, giáo dục là nguồn lực thiết yếu để đáp ứng những thách thức ngày nay, từ xóa đói giảm nghèo đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người, báo cáo của UNESCO đưa ra một loạt khuyến nghị:

Đầu tiên, các chính phủ phải đảm bảo việc đi học miễn phí, mọi bé gái và bé trai được nhận tài trợ công trong thời gian tối thiểu là 12 năm. Việc học ở trường phải đi đôi với đầu tư cho thời thơ ấu, nhằm đặt nền móng cho việc học càng sớm càng tốt và chống lại sự bất bình đẳng. Ngoài ra, những người trẻ chưa được hưởng lợi từ nền giáo dục có chất lượng hoặc việc học tập bị gián đoạn cũng cần nhận được cơ hội để tiếp cận nền giáo dục tốt hơn.

Thứ 2, môi trường học tập cũng phải vừa an toàn, vừa hòa nhập. UNESCO kêu gọi tạo khoảng cách ngắn giữa nhà và trường học của trẻ em, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn. Đồng thời tất cả các trường học được tiếp cận với nước và vệ sinh.

Thứ ba, quy mô lớp học phải nhỏ và các bài học phải được giảng dạy bởi những giáo viên có trình độ, năng động, hỗ trợ tất cả học sinh một cách công bằng, đặc biệt chú ý đến bình đẳng giới.

UNESCO cũng khuyến khích các quốc gia nâng cao nhận thức cho cộng đồng và gia đình địa phương về tầm quan trọng của trẻ em gái và trẻ trai hoàn thành chu trình giáo dục đầy đủ, đồng thời thu hút phụ huynh tham gia vào các hoạt động và quản lý trường học.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất