(SKTE) Chiều nay (11/11) Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của các đại biểu về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Đây là lần đầu tiên nữ Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn trước Quốc hội kể từ khi nhậm chức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Tạp chí Sức khoẻ Trẻ em xin giới thiệu tới độc giả những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội và câu trả lời của Bộ Trưởng Bộ Y tế về nội dung: Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường, diễn ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông:
Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử và giải pháp kiểm soát tình hình này?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan:
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng phân tích về những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trình Quốc hội xem xét, trong đó có các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương:
Có thể xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, chất kích thích cho trẻ em ở địa phương hay không?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan:
Trả lời câu hỏi của đại biểu về hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng, Bộ trưởng cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá với 9 nhóm nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian vừa qua. Trong các nhóm nhiệm vụ của Quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.
Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá. Đó là các bệnh viện trực thuộc Bô Y tế. Trong đó có rất nhiều bệnh viện chuyên khoa có số lượng bệnh nhân lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế…Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.
Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An:
Báo cáo số 520 của Bộ Y tế có nội dung "Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể xuất hiện trong tương lai". Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay, Bộ đã triển khai được những nội dung như nào trong đề xuất trên?
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh:
Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của thuốc lá này. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này?
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội, Điều 12 có quy định trường hợp thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định thì các sản phẩm thuốc lá mới sẽ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về quy định này?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan:
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tác hại đến sức khỏe người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tham gia vào công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học; đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về triển khai Công điện 47 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đã hoàn thành báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến và ban hành nghị quyết.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại Kỳ họp thứ 8 đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có ba văn bản gửi Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bởi trên cơ sở đánh giá của Hiệp hội kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe của người dân, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân.
Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai:
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm phòng, chống ma túy (Bộ Công an), tình trạng tẩm ướp ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá thế hệ mới tăng rất mạnh và khó phát hiện và Cục đồng tình cấm sản xuất, nhập khẩu, phân phối và quảng cáo các loại thuốc lá này. Tuy nhiên, Bộ Công thương muốn thí điểm để quản lý tốt hơn. Không ít cử tri phản ánh nhiều nhóm lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá đang tích cực vận động để duy trì thử nghiệm quản lý các sản phẩm thuốc lá này. Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu như thế nào? Câu hỏi này cũng được chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông:
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, giải pháp mạnh ở đây là gì, mức độ như thế nào, thời gian tới là thời gian nào? Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ trưởng sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để có những chế tài bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là thế hệ tương lai của đất nước. Nếu được, đề nghị Bộ Y tế sớm trình Quốc hội trong năm 2025.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn:
Tham gia chất vấn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhận thấy, Bộ Y tế đã có đầy đủ căn cứ về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là đối với thế hệ trẻ. Trên thực tế, mặt hàng này chưa được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng lại rất dễ tìm mua với giá rất là rẻ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết quan điểm về vấn đề này.
Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình:
Do thuốc lá điện tử có thể trộn thêm các chất khác nhau như ma túy, gây hoang tưởng, ảo giác nên không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần của thanh thiếu niên mà còn gây nên những lệch chuẩn về lối sống, thậm chí tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh sản và chất lượng sống của nòi giống.
Trong khi đó, ngay trong kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua một số luật sửa đổi và Nghị quyết chương trình mục tiêu phòng, chống ma túy. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đề xuất cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại thị trường Việt Nam ngay trong nghị quyết Kỳ họp này không?
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan:
Việc cấm thuốc lá mới đưa vào trong Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn sớm có giải pháp mạnh về vấn đề này. Đây là nội dung mà các ĐBQH có thể nghiên cứu, xin ý kiến Quốc hội vì tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử thời gian qua đã thấy rõ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, cần thiết có biện pháp mạnh hơn để phòng, chống ma túy trong bối cảnh bình thường cũng như trong bối cảnh tình huống có nhiều thay đổi.
Liên quan đến công tác quản lý thị trường đối với sản xuất kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cuối phiên chất vấn buổi chiều hôm nay, Đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, làm rõ chất vấn của ĐBQH
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình làm rõ các vấn đề được nêu tại phiên chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình làm rõ các vấn đề được nêu tại phiên chất vấn.
Phát biểu về vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kinh doanh thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện, được quy định rõ trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật. Do vậy, trong thời gian dài vừa qua, chúng ta có khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình sản phẩm này.
Từ những năm 2019, 2020, do thiếu công cụ quản lý thuốc lá công nghệ mới trong khi các sản phẩm này đã len lỏi, phát triển mạnh trên thị trường, Bộ Công Thương lúc bấy giờ đã đề xuất Chính phủ và được Chính phủ khóa trước xây dựng đề án thí điểm quản lý loại hình thuốc lá này. Khi lấy ý kiến của bộ, ngành, nhiều bộ, ngành đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương, chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cũng có những bộ, ngành phản đối, đặc biệt là Bộ Y tế, với quan điểm rằng đó là sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế, thống nhất rằng đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, phải sớm có khung khổ pháp lý để cấm sản phẩm này. Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng không đề xuất tiếp tục thí điểm đề án này. Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh, cấp đăng ký thông báo cho website thương mại điện tử kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý hàng trăm vụ việc đối với việc kinh doanh sản phẩm này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này. Trong khi chưa sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng để tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ trưởng cũng lưu ý, nguồn hàng sản phẩm này chủ yếu do nhập lậu, nên các lực lượng chức năng cần ngăn chặn tốt ngay từ các cửa khẩu, biên giới.
Sáng ngày mai (12/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ trả lời chất vấn của 8 đại biểu Quốc hội đã chất vấn trong chiều 11/11.