Vấn đề quan tâm

Bộ Y tế kiên trì quan điểm cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá mới

Phiên chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ bắt đầu từ 14h25 ngày 11/11 với một trong các vấn đề là công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

 

Đã nhiều lần cho rằng cần cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp tục kiên trì quan điểm này trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phiên chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ bắt đầu từ 14h25 ngày 11/11 với một trong các vấn đề là công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Tại báo cáo, với thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), Bộ trưởng cho hay, Bộ đã có các văn bản báo cáo Chính phủ và các cơ quan liên quan của Quốc hội về công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Nhận diện đây là sản phẩm gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng thanh, thiếu niên, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều giải pháp truyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá mới.

Nhưng, hiện nay chưa có cơ chế pháp lý quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có khái niệm “Thuốc lá điện tử”, “Thuốc lá nung nóng”; chưa có quy định về phụ kiện, thiết bị đi kèm khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chưa giao cho cơ quan nào quy định về quy chuẩn, hay tiêu chuẩn quản lý chất lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Khoản 3, Điều 23 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chỉ giao “Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu”. Do vậy, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong khi đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều chuyên gia y tế cảnh báo là độc hại, gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của con người, đặc biệt là giới trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới đã có 2 văn bản chính thức gửi Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. Theo đánh giá của Hội Kinh tế y tế, thiệt hại về kinh tế do hút thuốc lá tính sơ bộ lớn gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế mang lại.

Đặc biệt tính chất gây nghiện, pha trộn ma túy ngày càng phổ biến và tinh vi đã được Bộ Công an cảnh báo.

Do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không nằm trong danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh hoặc hành vi nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không có trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên khi phát hiện hành vi vi phạm thì cơ quan chức năng của ngành Công thương mới xử lý chủ yếu là hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ. Cơ quan chức năng ngành Công an xử lý nếu phát hiện có pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh chất ma tuý và chất cấm trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Như vậy, chưa bảo đảm kịp thời ngăn chặn, chế tài chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe.

Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh riêng năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - báo cáo nêu.

Nêu giải pháp khắc phục thời gian tới, bên cạnh sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác.

Trong đó quy định cụ thể về quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá mới; trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm để kịp thời ngăn chặn tác hại của thuốc lá mới gây ra.

Đồng thời sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm thuốc lá bao gồm các sản phẩm thuốc lá mới đến cộng đồng, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Xây dựng tài liệu truyền thông và tổ chức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các nhóm đối tượng thực thi pháp luật và người dân.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất