Sức khỏe

Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo

Đến dự hội thảo Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo có đại diện lãnh đạo Trung ương và địa phương: ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Phạm Hồng Lượng, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TS Trần Minh Ngọc, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế; ông Nguyễn Trọng Lịch - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu.

Về phía chuyên gia, diễn giả có: GS-TS Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô; TS Phạm Hà Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu sâm và dược liệu Việt Nam; TS Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - nhà nghiên cứu sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh; TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên khoa Dược, Trường đại học Y Dược TP.HCM, nhà nghiên cứu sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh; PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Dược lý - Dược lâm sàng, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng; TS Võ Thị Bạch Tuyết, thành viên Hội đồng Khoa học và đào tạo Dược, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Hội thảo Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo. Ảnh: Nhật Thịnh.

Hội thảo Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo. Ảnh: Nhật Thịnh.

Đại diện nhà tài trợ có: ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty dược phẩm Thái Minh; ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sâm Sâm (đại diện Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam); ông Lương Trọng Khoa, Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam Vinapanax; ông Đinh Văn Đô, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sâm Pusilung; bà Huỳnh Lan Phương, Phó tổng giám đốc Công ty xử lý chất thải Việt Nam (VWS); bà Trương Ngọc Hằng, Giám đốc Đối ngoại VWS...

Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, những người quan tâm đến sâm Việt Nam và sự tham dự đưa tin của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và TP.HCM.

Sâm quốc bảo được kỳ vọng là "cây trồng tỉ USD"

Phát biểu mở đầu hội thảo, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ Việt Nam được thiên nhiên ban tặng cho hai loại sâm được Chính phủ xác định là "quốc bảo" đó là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu.

Quyết định 611/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 1.6.2023 về "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" thể hiện ý chí biến sâm "quốc bảo" trở thành hàng hóa thật sự mang lại giá trị kinh tế được kỳ vọng là "cây trồng tỉ USD" sớm nhất có thể. Quyết định 611 cũng đưa ra lộ trình phát triển sâm Việt Nam rất rõ ràng nhưng lộ trình hiện thực hóa quyết sách này đang gặp khó khăn, bất cập lớn.

Đầu tháng 8.2024, Báo Thanh Niên đăng tải loạt phóng sự với chủ đề Sâm Việt giữa muôn vàn khó khăn, nêu ra những khó khăn, bất cập này. Đó là câu chuyện khát vốn đầu tư phát triển sâm Việt Nam. Quy định Cites và quy định của luật Lâm nghiệp áp dụng đối với sâm Việt Nam được người trồng sâm và chính quyền có vùng trồng sâm cho là chưa phù hợp với thực tế. Ngoài ra, đến nay chưa có quy trình trồng sâm đạt chuẩn quốc gia…

"Một thực tế hết sức nhức nhối là sâm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được nhập trôi nổi bên ngoài, đội lốt sâm Việt Nam bán với giá rẻ bèo làm tổn hại đến uy tín, thương hiệu sâm Việt", nhà báo Lâm Hiếu Dũng trăn trở.

Hiện sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu được Chính phủ coi là "quốc bảo" (gọi chung là sâm Việt Nam) và được chọn để phát triển theo "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Tuy nhiên, một số nhà khoa học và các vùng trồng hai loại sâm nói trên còn có nhiều ý kiến trái chiều về sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu.

Quyết định 611 đặt mục tiêu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030 và bắt đầu từ năm này, sản lượng dự kiến đạt 300 tấn/năm. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế trong lộ trình phát triển sâm Việt Nam còn quá nhiều điểm nghẽn như trên thì mục tiêu này gặp quá nhiều khó khăn.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng chia sẻ thêm, sâm Việt Nam được một số nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là loại sâm tốt nhất thế giới với hàm lượng saponin cao hơn nhiều so với sâm của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, khi nhìn sang Hàn Quốc, mỗi năm cung cấp khoảng 23.000 tấn nhân sâm với giá thành dao động khoảng 30 - 150 USD/kg (tùy loại) mang về hàng tỉ USD, trong khi sâm Việt Nam mỗi năm có khoảng vài tấn, giá bán khoảng 3.000 - 4.000 USD/kg. "Sản lượng sâm Việt Nam quá thấp, giá quá cao thì khó trở thành hàng hóa thật sự", nhà báo Lâm Hiếu Dũng nhìn nhận.

Thông qua hội thảo, Báo Thanh Niên kỳ vọng những ý kiến đóng góp, đề xuất và gợi mở của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực trên hai khía cạnh chính.

Phạm Thu Ngân - Sỹ Đông

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất