(SKTE) - Bé trai 2 tuổi nguy kịch do sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, tim, thận và viêm tuỵ cấp, điều trị hơn một tháng mới giữ được tính mạng.
Ngày 14/11, BS.CK1 Võ Thành Luân, Phó Khoa Hồi sức Tích cực Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi từ Bà Rịa Vũng Tàu vào viện khi tình trạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao, dương tính sốt xuất huyết. Các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, chống sốc, vận mạch, truyền nhiều chế phẩm máu.
Sau hơn một tháng điều trị, bé mới thoát cửa tử, dần hồi phục. Các bác sĩ chủ động cai máy thở khi còn đang lọc máu liên tục để có thể vận động sớm, giúp giảm nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng. Bé vừa xuất viện sau 42 ngày điều trị, may mắn không để lại di chứng.
Bệnh nhi trong quá trình điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
TP HCM ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh liên tục những tuần gần đây. Trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện tại ba bệnh viện nhi đang tăng cao, có trường hợp rất nặng do nhập viện muộn với nhiều biến chứng, cô đặc máu và suy hô hấp, suy đa cơ quan.
Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, đặc biệt mùa cao điểm của sốt xuất huyết là từ tháng 9 đến giữa tháng 11. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi và lây lan mầm bệnh một cách nhanh chóng.
Theo bác sĩ Luân, sốt xuất huyết có thể bị nhầm lẫn với các loại sốt thông thường, dẫn đến nguy cơ bỏ sót bệnh nếu không nhận diện đúng các triệu chứng ban đầu. Phụ huynh cần lưu ý kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám nếu sốt cao liên tục không hạ sau 2-3 ngày; đau đầu, đặc biệt là ở vùng sau mắt; đau cơ và khớp đôi khi kèm phát ban hoặc xuất huyết dưới da; buồn nôn, mệt mỏi. Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh.
Bệnh nhân cần được theo dõi sát và thăm khám mỗi ngày, nhập viện nếu có chỉ định bác sĩ. Đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh diễn tiến nghiêm trọng, nếu có triệu chứng cảnh báo như đau bụng vùng hạ sườn phải; nôn ói liên tục hoặc nôn nhiều lần trong ngày; chảy máu bất thường như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da (vết bầm tím, nổi chấm đỏ), tiểu ra máu...
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, cần phòng ngừa muỗi đốt và loại bỏ nơi muỗi sinh sản. Dọn dẹp vệ sinh các khu vực nước đọng quanh nhà (chậu hoa, lu chứa nước, vỏ xe cũ...) diệt lăng quăng, bọ gậy. Ngủ màn, mặc quần áo dài tay và sử dụng kem chống muỗi, bình xịt hoặc nhang diệt muỗi trong nhà. Đối với trẻ nhỏ, dùng khăn lau xua muỗi, thuốc thoa hoặc tã chống muỗi. Bệnh hiện đã có vaccine phòng ngừa, nên tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.
Lê Phương