Vượt lên tật nguyền

Cô giáo khuyết tật hết lòng vì những học sinh

Cô Đinh Lan Phương trong một giờ lên lớp với những học trò đặc biệt. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Cô Đinh Lan Phương trong một giờ lên lớp với những học trò đặc biệt. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng di chứng của căn bệnh viêm màng não khi lên 10 tuổi khiến cô Đinh Lan Phương, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Hồ Chí Minh, bị khuyết tật vận động.

Cô Phương kể hồi ấy, tỉnh dậy sau 27 ngày hôn mê, cô hoang mang, bất lực khi biết mình bị liệt nửa người, không nói được. Gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi, may mắn cô nói và đi lại được nhưng khó khăn trong vận động, cột sống bị cong vẹo. Luôn mong muốn được sinh hoạt và làm việc như người bình thường, cô Phương nỗ lực rất lớn trong tập luyện, học hành.

Thời điểm 20 năm trước, khi học Trung học Phổ thông cô đọc được thông tin về Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và quyết định chọn đó là nơi cô theo đuổi. Bởi cô tin rằng mình sẽ làm được nhiều điều có ích.

Sau khi tốt nghiệp được giữ lại Khoa nhưng cô chỉ công tác một thời gian ngắn bởi mong muốn lớn nhất của cô là được về trường trực tiếp dạy học sinh đặc biệt. Đến với nghề giáo một cách tình cờ nhưng tình thương yêu với những học sinh đặc biệt của mình giúp cô gắn bó với nghề 16 năm nay.

"Trong khoảng 10 năm đầu công tác, tôi nghĩ bản thân mình đang làm điều tốt cho những đứa trẻ kém may mắn. Nhưng khi đã đủ trải nghiệm với nghề, tôi nhận ra rằng ngược lại chính bản thân mình là người được nhận. Bởi, tôi được làm công việc mà mình rất yêu thích và công việc ấy nuôi sống tôi. Nghề giáo cũng mang lại cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao khi hằng ngày được gặp gỡ đồng nghiệp, học sinh,” cô Phương tâm sự.

Cô được phân công phụ trách nhiều lớp khác nhau, phần lớn là học sinh đa tật. Thời gian đầu công tác, không ít lần cô bật khóc bởi cảm thấy bất lực, không biết phải làm gì với những đứa trẻ vừa mù, vừa điếc hoàn toàn.

Nhận thấy kiến thức chuyên môn về chuyên ngành khiếm thị của mình không đủ để đáp ứng yêu cầu dạy học cho những học sinh đa tật, cô Phương tìm tòi, học hỏi trên Internet, tích lũy kiến thức, kỹ năng mới. May mắn cô được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, đồng nghiệp hỗ trợ về chuyên môn cũng như động viên tinh thần, nhờ vậy, cô từng bước thích nghi, làm tốt hơn công việc của mình.

Cô Đinh Lan Phương hướng dẫn học sinh học chữ.

Cô Đinh Lan Phương hướng dẫn học sinh học chữ.

Cô Phương rưng rưng khi nhớ đến một học trò cô dành nhiều thời gian và tâm huyết. Đó là một cậu bé bị đa tật, từ Hà Nội vào trường học. Cậu bé được bố mẹ thuê một căn nhà và ở cùng giúp việc. Cô Phương vừa dạy em trên lớp vừa hướng dẫn, hỗ trợ em trong sinh hoạt hằng ngày tại nhà.

Ngôn ngữ của cậu bé này là ngôn ngữ theo mẫu, em chỉ hiểu và nói những câu nói đúng theo mẫu được học. Việc dạy ngôn ngữ cho em là điều cô rất trăn trở.

Hành trình ròng rã 7 năm của cô trò cũng có ngày hái được quả ngọt. “Trong một buổi học, hai cô trò chơi trò tìm tiếng có vần “ia.” Cậu bé đã tìm ra được tiếng “bia.” Vui mừng trong lòng, cô tiếp tục đề nghị em ghép thành câu có nghĩa với từ này. Em bật thành câu “Bố Long thích uống bia.”

Việc con biết ghép từ ngữ vào thành câu có nghĩa và hiểu được sở thích của người khác có nghĩa là ngôn ngữ của con đã có sự phát triển. Sự tiến bộ đó cho thấy con đã sẵn sàng bước vào việc học. Khi đó cô vui sướng, hạnh phúc như có hoa nở trong lồng ngực mình vậy, cô Phương xúc động chia sẻ.

Theo cô Phương, mỗi học sinh là một cuộc hành trình thử thách riêng, mỗi sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của các em đều là niềm vui lớn đối với giáo viên và gia đình. Cô không mong ước sẽ biến học trò của mình thành thiên tài hay là bác sỹ, y tá… trong hành trình mình đi, cô chỉ mong góp sức nhỏ giúp các em sau này không phải là gánh nặng của gia đình.

“Có những phút giây tôi ước rằng đừng có thêm những đứa trẻ nào bị rơi vào hoàn cảnh như học sinh của mình,” cô Phương bày tỏ.

Đánh giá về năng lực của cô Phương, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết cô Đinh Lan Phương là giáo viên có chuyên môn rất tốt và năng động sáng tạo trong dạy học. Vì thế, không chỉ chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên trong trường, cô Phương thường xuyên được trường cử đến các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy với học sinh khuyết tật.

Cô có phương pháp dạy học sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong công việc, phát huy khả năng của mỗi học sinh, nhất là ở môn tiếng Việt. Cô Phương cũng là tấm gương sáng về tinh thần vươn lên, tấm lòng thương yêu học sinh, tận tâm với nghề. Trong hoàn cảnh của mình, cô có sự đồng cảm với học sinh, giúp các em tự tin hòa nhập cuộc sống./.

Nguồn: Thu Hoài/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất