Hình ảnh thầy Hiệu trưởng giản dị rời mái trường về nghỉ hưu được hàng nghìn học sinh, giáo viên chia tay đầy xúc động.
Thầy Hoàng Minh Ngọc nhận bó hoa tươi thắm và sự tri ân từ các thế hệ học sinh sau gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Ảnh: TT
Đó là thầy Hoàng Minh Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh - người đã gần 40 năm cống hiến hết mình vì học sinh thân yêu và ngành Giáo dục Đắk Lắk.
“Người cha, người mẹ” thứ 2
Kể từ ngày 1/11, thầy Hoàng Minh Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh (Đắk Lắk) chính thức nghỉ hưu theo chế độ. Ngày chia tay mái trường, hàng nghìn học sinh, giáo viên tổ chức lễ tri ân và gửi tới thầy lời cảm ơn đầy xúc động.
Cô Cao Thị Hồng - giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh chia sẻ, đồng nghiệp cũng như các thế hệ học sinh dù gắn bó lâu năm hay mới vào trường đều tôn kính thầy Hoàng Minh Ngọc.
“9 năm công tác cùng thầy, điều tôi cũng như đồng nghiệp yêu mến là sự gần gũi, thân thiện, mộc mạc, thẳng thắn của người con đến từ quê hương Bình Định. Thầy quan tâm, dành tình thương cho mọi người, nhất là giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Phong cách làm việc nhẹ nhàng, dân chủ, thiên về khích lệ, động viên, khen ngợi nhiều hơn xử phạt”, cô Hồng tâm sự.
Với cô Hồng, ấn tượng nhất về vị Hiệu trưởng này là người có kiến thức chuyên môn sâu ở nhiều lĩnh vực, bộ môn. “Sau mỗi tiết dự giờ đồng nghiệp, chúng tôi luôn háo hức chờ được nghe thầy nhận xét, đánh giá, góp ý. Từ những góp ý, định hướng sát thực tế giúp bản thân vỡ lẽ nhiều điều từ chuyên môn đến phương pháp dạy học. Từ đó, tôi và nhiều đồng nghiệp phát triển thành giáo viên giỏi cấp trường, tỉnh”, cô Hồng nói thêm.
Tự hào là học trò cũ sau trở thành đồng nghiệp, cô Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh chia sẻ: “Dù nắng hay mưa, 38 năm qua thầy vẫn bám trường, lớp, đi sớm về khuya, lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Ở vị trí công tác nào, học sinh vẫn là trung tâm, động lực để thầy hoàn thiện bản thân”.
Cậu học trò nghèo thuở nào Ngô Minh Cảnh (hiện là Chánh Văn phòng UBND huyện Ea H’leo, Đắk Lắk - PV) cũng không giấu được xúc động: Thầy chính là “người cha, người mẹ” thứ 2.
“Giây phút vinh quang, hạnh phúc nhất đã đến với thầy. Học sinh toàn trường tri ân thầy, nhiều giáo viên rơi nước mắt trong giây phút chia tay người thầy đáng kính. Tôi và các bạn đồng trang lứa xem clip do các em khóa sau gửi đến mà không thể cầm nước mắt vì hạnh phúc, tự hào là học trò của thầy Ngọc”, anh Cảnh nói.
Em Phan Bảo Châu - học sinh lớp 12A1 bộc bạch: “Khi được thông báo về việc thầy sẽ nghỉ hưu, chúng em tạm gác lại mọi việc để dành cho thầy những kỷ niệm đẹp, khó quên về mái trường này. Chứng kiến từng bước đi dứt khoát dõng dạc khi bước vào trường đến hình ảnh ngạc nhiên, rồi xúc động, nở nụ cười hạnh phúc của thầy, chúng em tự hào vì đã được sống trong giây phút đẹp nhất của đời học sinh”.
Sở GD&ĐT Đắk Lắk trao quyết định nghỉ hưu theo chế độ cho thầy Hoàng Minh Ngọc. Ảnh: TT
Tất cả vì học sinh thân yêu
Thầy Hoàng Minh Ngọc (sinh năm 1963, tại thành phố biển Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn (chuyên ngành Sư phạm Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp), dù được tỉnh Bình Định phân công công tác, nhưng nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, thầy đã cùng nhóm bạn chọn cao nguyên Ea H’leo (Đắk Lắk) để gắn bó và cống hiến.
Triết lý giáo dục xuyên suốt hành trình “trồng người” của thầy Ngọc là “tình thương, trách nhiệm, kỷ cương”. “Là người thầy, trước hết phải yêu thương học trò, từ yêu thương gắn với trách nhiệm xã hội sau đó mới là kỷ cương. Muốn làm được điều đó, bên cạnh kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, người thầy phải hiểu biết xã hội. Triết lý giáo dục đó đã theo tôi suốt 38 năm dạy học ở vùng đất cao nguyên Ea H’leo còn nhiều khó khăn”, thầy Ngọc chia sẻ.
Cũng theo lời thầy Ngọc, những ngày đầu về đây, thầy trò đều khó khăn. Các em đi nương, đi rẫy có củ khoai, củ mỳ đều mang đến trường rồi thầy trò chia nhau qua bữa. Từ gian nan ấy, nhiều em đã vươn lên số phận, phát triển bản thân thành người có ích cho xã hội.
Nhớ lại những kỷ niệm thời học sinh, anh Ngô Minh Cảnh không giấu được tự hào khi nói về người thầy đáng kính: “Khóa học 1996 - 1999, biết tôi và một bạn nữa thuộc diện con nhà nghèo, thầy Ngọc luôn động viên, định hướng phương pháp học tập với dẫn chứng cụ thể, rõ ràng. Những ngày nghỉ, thầy dành thời gian phụ đạo thêm cho chúng tôi. Chính sự quan tâm, động viên và hướng dẫn của thầy, tôi và các thế hệ học sinh ở đây nỗ lực vượt khó trong học tập để lập thân, lập nghiệp, đóng góp công sức cho quê hương”.
May mắn nhất có lẽ là em Nguyễn Thị Mỹ Linh - lớp 21A3 bởi bố, mẹ và Linh đều là học trò của thầy Ngọc. Chính vì vậy, ngày chia tay thầy, Mỹ Linh đã xúc động viết: “Không chỉ hôm nay mà còn cả ngày mai, ngày kia và nhiều ngày sau nữa, nhất định phải luôn cố gắng để được phép tự hào là học trò của thầy, học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh, cháu của Bác Hồ. Thế nhưng vẫn sẽ thấy nuối tiếc vì những ngày Đông sắp tới đây, ở góc trường thân yêu, tôi sẽ không còn thấy bóng hình quen thuộc ngày nào”.
Theo TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hình ảnh thầy Hoàng Minh Ngọc đi giữa hàng ngàn tiếng tri ân trong ngày về hưu là minh chứng cho sự cao quý của nhà giáo.
Cũng theo TS Hiệp, danh dự, uy tín nghề nghiệp là điều thiêng liêng cao quý, học trò là thước đo cao nhất cho giá trị của người thầy.
“Dù trong xã hội nào, người thầy luôn được tôn kính. Điều đó bắt nguồn từ phẩm chất, nhân cách và đạo đức sáng ngời của mỗi thầy cô. Trong hoàn cảnh đổi mới sự nghiệp giáo dục, thầy Ngọc đã mang đến cho chúng ta làn gió tươi mát, động lực để yêu nghề, yêu trò và có nhiều cống hiến hơn cho sự nghiệp trồng người”, TS Đỗ Tường Hiệp nói.