Vấn đề quan tâm

Dành sự yêu thương và nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em

 Đến tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hơn 300 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em cả nước.

Các đại biểu tham dự tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề: "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em" nhằm vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.

Đây cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường; tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sau 30 lần tổ chức, Tháng hành động vì trẻ em luôn là dịp để các cấp, các ngành, gia đình, xã hội có những phong trào, hành động mang ý nghĩa, thiết thực, tạo lập môi trường an toàn, cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ em.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong mọi hoàn cảnh của đất nước, dù khó khăn thiếu thốn đến đâu, Đảng, Nhà nước, gia đình, xã hội vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em bởi chính các em là tương lai của đất nước Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đất nước, nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo ngày càng được quan tâm…

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất. Mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em từ cơ sở có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể… với hình thức hoạt động đa dạng trong phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích.

Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại buổi Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

Nhiều diễn đàn, hội nghị của trẻ em được tổ chức từ cấp địa phương đến quốc gia là cơ chế hữu hiệu để trẻ em nói lên tiếng nói của mình, để người lớn lắng nghe các em về những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em cũng như những suy nghĩ, ước muốn với tinh thần trách nhiệm gánh vác tương lai đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, tuy đã nỗ lực hết sức, nhưng chúng ta không khỏi trăn trở, đau lòng mỗi khi biết thông tin về một em nhỏ nào đó đang phải chịu đựng đau đớn về thể xác, tinh thần do bị bạo lực, hay bị xâm hại hoặc bị thương tích, đuối nước. Trên cả nước, vẫn còn hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần trợ giúp, bị ảnh hưởng của những nội dung độc hại trên môi trường mạng.... Thực tiễn trên đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, mỗi người phải hành động quyết liệt hơn nữa, ưu tiên cao hơn nữa, dành sự yêu thương, quan tâm và nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em.

"Trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, cá nhân tôi và các lãnh đạo, thành viên Chính phủ sẽ luôn hết sức lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em hành động quyết liệt để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Các đại biểu đến thăm Làng Trẻ em SOS Huế.

Tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra 6 đề nghị: Thứ nhất, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương phải quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của trẻ em gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển trẻ em mang tính tổng thể, toàn diện.

Thứ ba, bảo đảm nguồn lực nhà nước, huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện các chính sách về dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng đa tầng, chất lượng.

Thứ tư, xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ em phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ. Bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tặng quà cho trẻ em tại Làng Trẻ em SOS Huế.

Thứ năm, chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trước thông tin xấu, độc không phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng và xã hội; không để trẻ em làm công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe, phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em. Phát triển các sản phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật, giáo dục lành mạnh, phù hợp, có chất lượng dành cho trẻ em.

Thứ sáu, bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường, tổ chức của trẻ em. Tăng cường hợp tác, tham gia, phát huy vai trò thành viên tích cực trong thực hiện Công ước Liên hợp quốc, các phong trào toàn cầu, khu vực về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.

Dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu đã trao 30 xe đạp và nhiều phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau đó, đã đến tham dự Lễ cất nóc Nhà đa chức năng Trường Tiểu học Vỹ Dạ và thăm, tặng quà cho trẻ em tại Làng Trẻ em SOS Huế.

KT

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất