Sức khỏe

Tạo điều kiện tốt nhất giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

 

 

Phóng viên: Xin ông chia sẻ những dấu ấn nổi bật trong 30 năm hoạt động của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam?

Ông Ngô Sách Thực: Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam là hội đặc thù, có tính chất xã hội, từ thiện được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 4/12/1993. Mục đích cao nhất của Hội là giúp đỡ trẻ em khuyết tật sống hòa nhập với cộng đồng. Trải qua 30 năm xây dựng và tích cực hoạt động, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào thực hiện chính sách xã hội, vận động nguồn lực từ xã hội để tổ chức bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp trẻ em khuyết tật, người khuyết tật và những người yếu thế khác, góp phần để trẻ em khuyết tật, người khuyết tật cải thiện điều kiện sinh hoạt và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng, sống bình đẳng, được bảo đảm quyền con người của mình. Hoạt động của Hội đã nhận được sự đồng hành tích cực, sự ủng hộ to lớn của cộng đồng, xã hội, của các nhà tài trợ, những người hảo tâm.

Xác định công tác vận động nguồn lực xã hội là yếu tố quan trọng, Trung ương Hội và các đơn vị trực thuộc đã vận động được hàng nghìn tỷ đồng, trong đó thông qua các chương trình, Hội đã vận động được hơn 158 tỷ đồng. Từ nguồn lực quý giá này, Hội đã triển khai các hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực, góp phần giúp trẻ em khuyết tật, người khuyết tật và người khó khăn trên cả nước cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng, tham gia các hoạt động xã hội, thực sự hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể, Hội đã tư vấn phát hiện sớm phòng tật, nuôi dưỡng, chăm sóc phục hồi chức năng, dạy chữ, hướng nghiệp, dạy nghề cho hàng triệu cháu khuyết tật. Hiện Hội có 50 cơ sở trợ giúp xã hội là pháp nhân thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp cho trên 10.000 trẻ em khuyết tật. Hội là địa chỉ để phối hợp giáo dục chuyên biệt, khâu nối với các cơ sở y tế để phẫu thuật, chữa tật, phục hồi chức năng; vận động các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp giúp các cháu khuyết tật. Thông qua các chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em”, “Xuân yêu thương” hàng ngàn tỷ đồng, hàng trăm ngàn lượt trẻ em khuyết tật, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế khác trong cả nước được hỗ trợ học bổng, xe lăn, xe lắc, công cụ trợ giúp các dạng tật, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhà ở, đi lại, học hành, học nghề, việc làm, sinh kế...Thời gian qua, trên 2.500 em đã thành nghề được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp công ty (có cả công ty liên doanh với nước ngoài) với thu nhập từ bốn triệu đến cả chục triệu đồng; một số em đã thành lập cơ sở sản xuất, công ty riêng, vào tuổi trưởng thành; nhiều em đã có vợ, có chồng, gia đình hạnh phúc. Năm học vừa qua đã có 3 em khuyết tật khiếm thị đỗ thủ khoa Học viện âm nhạc Quốc Gia Việt Nam.

Ý nghĩa cao nhất của chuỗi các hoạt động này là biến chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng trở thành hiện thực cuộc sống. Điều quan trọng nhất đối với các cháu là sự quan tâm, chia sẻ giúp các cháu bớt tự ti, có niềm tin để phấn đấu vươn lên. Từ những kết quả đã đạt được trong suốt 30 năm qua, chúng tôi hy vọng rằng, sự chung tay của cộng đồng, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tạo thành một nét đẹp, một nếp sống nhân văn, mình vì mọi người, luôn quan tâm giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, người yếu thế, tô đậm thêm bản sắc văn hóa nhân ái, truyền thống đùm bọc của dân tộc Việt Nam.

Phóng viên: Nhìn lại những hoạt động nổi bật trong năm 2023, xin ông chia sẻ về những kinh nghiệm chủ yếu trong việc vận động cứu trợ trẻ em tàn tật?

Ông Ngô Sách Thực: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp, toàn Hội đã đoàn kết thực hiện tốt 8 nhiệm vụ đã đề ra ngay từ đầu năm. Trong đó, nhiều cơ sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng, dạy chữ, hướng nghiệp, dạy nghề cho các cháu khuyết tật, thực hiện các chương trình, các cuộc vận động, thi đua, các hoạt động chào mừng 30 năm thành lập Hội. Các hoạt động của Hội đã hướng về cơ sở, hướng vào mục tiêu và mở rộng diện các cháu khuyết tật được chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng để hòa nhập cộng đồng. Tôi thấy, nổi bật trong đó có những hoạt động sau:

Thứ nhất, Hội đã tổ chức được 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng nghiệp dạy nghề cho các cháu. Lớp tuy nhỏ nhưng sau khi kết thúc khóa học sẽ có những cháu bớt tật đi và có thể tự làm ra những sản phẩm thủ công để đem bán. Điều này giúp cho các cháu có cảm giác mình có ích hơn và cố gắng vươn lên hơn.

Thứ hai, Hội đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc giáo dục chuyên biệt kết hợp với giáo dục đặc biệt, nhờ đó đã kịp thời phát hiện ra những khả năng khác biệt của các cháu. Từ đó, thông qua các chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em”, Hội đã tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu để phát huy những khả năng của mình, thêm nghị lực tự vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đáng chú ý, năm học 2023-2024, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam có 3 học sinh khiếm thị đỗ thủ khoa đầu vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam...

Như vậy, Hội chính là khâu kết nối giữa gia đình và xã hội để kịp thời phát hiện ra những khả năng khác biệt của các cháu, đồng thời cổ vũ, bồi dưỡng để nhiều trẻ em khuyết tật phát huy tốt năng lực, sở trường của bản thân, chủ động, tích cực hòa nhập xã hội.

Phóng viên: Xin ông cho biết phương hướng hoạt động của Hội trong năm 2024 và định hướng đến năm 2030?

Ông Ngô Sách Thực: Trong thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em khuyết tật, chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, hội viên; củng cố các cơ sở trực thuộc, phát triển cơ sở Hội đến các vùng trong cả nước. Đồng thời, tăng cường vận động tài trợ, xây dựng nguồn tài chính thực hiện các nhiệm vụ của Hội, đổi mới nội dung, phương thức thực hiện các chương trình trọng tâm của Hội, các chương trình "Thắp sáng niềm tin cho em", "Xuân ấm cho em". Cùng với đó là kết nối các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có thêm nhiều địa chỉ, bệnh viện tin cậy chữa bệnh, phẫu thuật phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật; tạo sân chơi cho trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng; giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho trẻ em khuyết tật…Phấn đấu đưa Hội trở thành địa chỉ tin cậy của gia đình trẻ khuyết tật và trẻ em khuyết tật trên cả nước.

Tôi cho rằng, cùng với việc xây dựng, củng cố và mở rộng hệ thống tổ chức Hội thì các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm trong cả nước ủng hộ vào Quỹ hội có tính chất bền vững; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Trung ương Hội đã đặt ra, tập trung khảo sát và mở rộng đối tượng, chăm sóc trợ giúp theo hướng ưu tiên hỗ trợ những nhu cầu có tính thiết thực của người khuyết tật và trẻ mồ côi; góp phần tích cực trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước có liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi. Đồng thời, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống; tham gia các hoạt động, sinh hoạt xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi; huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi. Riêng đối với người khuyết tật, cần đẩy mạnh việc thực thi Luật Người khuyết tật nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của họ; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật nhằm tạo môi trường thuận lợi, thân thiện để người khuyết tật có khả năng tiếp cận các chính sách và dịch vụ, từng bước hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội; góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

30 năm qua, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã giúp cho 25.696 trẻ em khuyết tật khỏi tật và phục hồi được chức năng của cơ thể; tổ chức 1.955 lớp dạy chữ, 619 lớp dạy nghề; tặng xe đạp cho trẻ em khuyết tật, học sinh nghèo; tặng 4.430 xuất học bổng cho học sinh, sinh viên khuyết tật, tạo thuận lợi, ổn định hơn cho các em thực hiện được ước mơ học tập của mình.

Phản hồi

Các tin khác