Sự kiện & Bình luận

Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: Gia Hân

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người, tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

Trong những vướng mắc, bất cập có quy định về thông tuyến, chuyển tuyến. Ngoài ra, những quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh... cũng có một số bất cập, hạn chế.

Dự án luật lần này, theo bà Lan, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận.

Trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể, dự luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Theo đó, dự luật quy định người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của bộ trưởng Bộ Y tế: thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng quy định.

Bỏ giấy chuyển tuyến một số bệnh

Trong 9 thủ tục hành chính được giảm, cải cách trong dự luật cũng có việc bỏ giấy chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... Người bệnh được khám, chữa bệnh "thông tuyến" huyện nội tỉnh.

 Theo đó, trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp với tình trạng người bệnh và phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển đến.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mạn tính và sử dụng, cấp phát thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo năng lực chuyên môn của cơ sở nơi quản lý, theo dõi bệnh mạn tính.

Người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, trong thời gian điều trị nội trú phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp với tình trạng người bệnh và phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi chuyển đến.

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất