Sức khỏe

Vai trò của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet)

 1. Hỗ trợ phát triển thể chất

Theo các chuyên gia, dinh dưỡng đóng góp đến 32% vào sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ, cao hơn hẳn so với các yếu tố khác như di truyền (23%), vận động thể lực (20%), môi trường, thời gian ngủ nghỉ, … Ba mẹ cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong giai đoạn này để trẻ phát triển toàn diện và đạt được tiềm năng tối ưu.

Nhu cầu năng lượng cao trong giai đoạn tăng trưởng giúp trẻ có đủ sức để hoạt động, học tập và chơi đùa. Các dưỡng chất như protein, canxi và vitamin D rất quan trọng cho sự phát triển xương và cơ bắp.

2. Tăng cường hệ miễn dịch

Chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu vitamin, khoáng chất, protein và chất béo lành mạnh là nền tảng để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ em. Việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh giúp trẻ không chỉ có sức đề kháng tốt hơn mà còn phòng ngừa được nhiều bệnh lý thông thường, giúp trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần. 

Các vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E, và kẽm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật.

Việc bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa vào chế độ ăn của trẻ như: cam, chanh, nho, rau lá xanh đậm, ngũ cốc, cá béo, … sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tế bào, giúp giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch và phòng ngừa nhiều loại bệnh. Sự đa dạng trong chế độ ăn cũng giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, cả về thể chất và tinh thần.

3. Phát triển trí tuệ và nhận thức

Chất lượng dinh dưỡng trong những năm tháng đầu đời sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong quá trình phát triển thai nhi và giai đoạn đầu đời thường có chỉ số IQ cao hơn hoặc trẻ bị thiếu sắt sẽ có nguy cơ giảm nhận thức và thành tích ở tuổi đi học.

Bên cạnh đó, khoa học cũng chứng minh rằng những trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thường thích vận động, có khả năng khả năng tư duy, khả năng tương tác xã hội, ham học hỏi và có khả năng nhận thức tốt hơn.

Nguổn thực phẩm giàu Omega-3, sắt, kẽm, và các vitamin nhóm B, … rất cần thiết cho sự phát triển não bộ và khả năng tập trung.

4. Tác động đến tâm lý

Chế độ dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, trí tuệ mà còn tác động trực tiếp đến chỉ số cảm xúc EQ. Trẻ em bị suy dinh dưỡng từ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc các chứng tự kỷ, lo âu, trầm cảm. Tính cách của trẻ cũng liên quan đến dinh dưỡng, những trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong hai năm đầu đời thường có dấu hiệu nhút nhát, ít hoạt động, ít giao tiếp và thường không biết chia sẻ với người khá

5. Ngăn ngừa bệnh tật

 Chế độ ăn uống không cân bằng có thể dẫn đến tình trạng béo phì và các bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch. Trẻ em có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ phục hồi nhanh hơn khi bị bệnh hoặc chấn thương.

6. Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh

Dinh dưỡng hợp lý trong những năm đầu đời sẽ hình thành thói quen ăn uống tốt cho cả cuộc đời. Đồng thời giúp trẻ hiểu được giá trị của việc ăn uống lành mạnh và biết lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng và đầy đủ dưỡng chất là yếu tố then chốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Các bậc phụ huynh và người chăm sóc cần chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ để đảm bảo trẻ có nền tảng sức khỏe tốt nhất cho tương lai.

Trần Yến

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất