Xã hội

'Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến'

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” từ ngày 10/10 đến 20/11/2024, nhằm giúp người dân nhận diện và phòng ngừa các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.

Chiến dịch được triển khai trên diện rộng từ ngày 10/10/2024 đến ngày 20/11/2024, phối hợp với các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp an toàn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.

Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin và những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT... để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản giá trị cao.

Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.Ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.

Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức, cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Khi người dân, những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.

Nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, vừa qua Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, ban hành Sổ tay kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Qua đó, cung cấp cho người dân nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, góp phần nâng cao cảnh giác, giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.

Các chiêu thức phổ biến bao gồm:

  1. Gọi điện trực tiếp: Dấu hiệu nhận diện gồm cung cấp thông tin mập mờ, gây áp lực, yêu cầu thông tin cá nhân nhạy cảm, hoặc hứa hẹn lợi ích không thực tế.
  2. Tin nhắn (SMS)/Email: Thường sử dụng địa chỉ không chính xác, lỗi ngữ pháp, yêu cầu thông tin cá nhân, hoặc gửi liên kết, tệp đính kèm đáng ngờ.
  3. Website: URL bất thường, thiếu chứng chỉ SSL, thiết kế kém, và yêu cầu thông tin ngay lập tức.
  4. Phần mềm/Ứng dụng giả mạo: Tải từ nguồn không chính thức, yêu cầu quyền truy cập không cần thiết.
  5. Mạng xã hội: Lời mời bất ngờ, dụ dỗ đầu tư, quảng cáo lừa đảo hoặc sử dụng công nghệ Deepfake.

Mọi thông tin cũng sẽ được cập nhật liên tục trên kênh thông tin của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn).

Ngọc Thạnh

Phản hồi

Các tin khác

Ảnh

Video

Phóng sự Ra mắt bộ mới Tạp chí Sức khoẻ trẻ em

Ngày 06/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giấy phép hoạt động Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, dưới cả hai hình thức: tạp chí in và tạp chí điện tử. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình đi lên của Tạp chí Tình thương và Cuộc sống - tiền thân của Tạp chí Sức khỏe Trẻ em, sau hơn 21 năm hình thành và phát triển.

Mới nhất